Khẩu hiệu hay Slogan là một cụm từ hoặc câu tuyên ngôn để truyền tải sứ mệnh thương hiệu của một công ty. Khái niệm này thường hay bị nhầm lẫn với Tagline và Strapline (cũng được gọi là Khẩu hiệu trong tiếng Việt). Hãy cùng Brademar tìm hiểu về Slogan là gì? Cách phân biệt Slogan và Tagline, Strapline, Ví dụ về Slogan của các thương hiệu nổi tiếng
Mục lục
1. Slogan nghĩa là gì?
Slogan là một tuyên bố thu hút sự chú ý được sử dụng để quảng cáo hoặc quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu, thường được sử dụng trong một chiến dịch quảng cáo cụ thể.
Slogan thường sử dụng bằng sự kết hợp giữa những lời thuyết phục và từ ngữ mô tả để thu hút người tiêu dùng. Các loại Slogan khác nhau bao gồm:
- Product: Cho người tiêu dùng biết họ bán loại sản phẩm nào.
- Use-case: Hướng dẫn người tiêu dùng cách sửu dụng sản phẩm.
- Category: Chỉ ra danh mục sản phẩm của thương hiệu là tốt nhất.
- Consumer: Tập trung vào đối tượng người tiêu dùng mục tiêu sẽ sử dụng sản phẩm của thương hiệu.
2. Tầm quan trọng của Slogan
Một Slogan tốt là một Slogan đáng nhớ và truyền tải cảm xúc tích cực về thương hiệu. Slogan giúp đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông cho sản phẩm cụ thể, nhằm đảm bảo doanh số. Slogan cũng giúp xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu và công chúng, bằng cách nói với công chúng những gì thương hiệu đại diện và những gì họ cung cấp.
3. Phân biệt Slogan và Tagline, Strapline
- Slogan (còn được gọi là Advertising Slogan): Thường tập trung vào các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu. Slogan thường dài hơn Tagline. Slogan thường chỉ được sử dụng cho một sản phẩm của thương hiệu hoặc trong một chiến dịch chứ không mang tính bền vững như Tagline. Slogan có thể được thay đổi khi thương hiệu ra mắt sản phẩm mới.
- Tagline: Tập trung vào việc nâng cao nhận thức về thương hiệu tổng thể. Tagline thường ngắn hơn Slogan. Tagline mang tính bền vững và hiếm khi thay đổi (trừ khi thay đổi chiến lược thương hiệu), vẫn sẽ được giữ nguyên sau các chiến dịch truyền thông.
- Strapline: Giống Tagline nhưng Tagline được sử dụng tại Hoa Kỳ còn Strapline (hoặc Lines, Endlines) được sử dụng tại Anh Quốc. Ngoài ra, ở Bỉ còn được gọi là Baselines, ở Pháp gọi là Signatures, ở Đức gọi là Claims, ở Hà Lan và Ý gọi là Pay Offs hoặc Pay-off.
Một lưu ý rằng, một số Slogan trong các chiến dịch quảng cáo có thể trở thành Tagline bền vững của thương hiệu. Lý do bởi các chiến dịch quảng cáo này rất thành công, đến nỗi Slogan của chiến dịch có sức ảnh hưởng mãi tới sau này, thương hiệu tận dụng để biến nó thành Tagline. Ví dụ điển hình nhất là chiến dịch “Think Different” của Apple – Slogan này sau đó đã trở thành Tagline của công ty.
4. Ví dụ về Slogan của các thương hiệu nổi tiếng
Volkswagen – “Think small“: Volkswagen gần đây đã tuyên bố chấm dứt sản xuất mẫu xe Beetle, chiếc xe mang tính biểu tượng đã truyền cảm hứng cho Slogan “Think small”. Vào những năm 1960, hầu hết các quảng cáo xe hơi tự hào có các tính năng mạnh mẽ và tốt nhất với các mẫu xe mới. Agency quảng cáo Doyle Dane Bernbach (DDB) đã lật ngược ‘quan điểm quảng cáo’ đó để tạo ra một quảng cáo thừa nhận, tự ti, tự đánh giá thấp mẫu xe Beetle của Volkswagen với Slogan “Think small”, giúp thương hiệu này bán hàng triệu chiếc xe. Trang AdAge thậm chí còn gọi đây là quảng cáo hay nhất của thế kỷ 20.
Coca-Cola – “The pause that refreshes“: Slogan nổi tiếng của Coca-Cola cũng đạt vị trí cao trong bảng xếp hạng quảng cáo tốt nhất của thế kỷ 20 của AdAge (vị trí thứ 2). Xuất hiện từ năm 1929, với Slogan “The pause that refreshes”, đây là chiến dịch quảng cáo dài hơi nhất của Coke, được sử dụng trong 30 năm tiếp theo.
Campbell – “M’m! M’m! Good!“: Slogan này của Campbell có từ những năm 1930, nhưng đã bị loại bỏ vào giữa những năm 1980 để đổi thành “We’ve got a soup for that.” Tuy nhiên, sau khi doanh số bán hàng sụt giảm vào năm 2000, Campbell đã quyết định quay trở lại sử dụng Slogan huyền thoại của mình.
Gillette – “The best a man can get“: Gillette lần đầu tiên giới thiệu Slogan này trong Superbowl năm 1989, và giữ nó trong suốt 30 năm tiếp theo. Tuy nhiên, Superbowl 2019 đã chứng kiến sự ra đời của một Slogan mới: “The best a man can be”. Slogan mới này dần đã trở thành Tagline bền vững của thương hiệu nhằm nhấn mạnh các vấn đề như nam tính độc hại, phân biệt giới tính và phong trào #MeToo (một phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục).
Nike – “Just do it“: Slogan mang tính biểu tượng của Nike vào năm 1988 nghe có vẻ truyền động lực, nhưng nguồn gốc của nó có phần đen tối hơn. Theo Dan Wieden (đồng sáng lập Agency sáng tạo Wieden + Kennedy và là người đã tạo ra Slogan huyền thoại ‘Just Do It!”), ông được truyền cảm hứng từ vụ hành quyết kẻ giết người Gary Gilmore năm 1977. Ngay trước khi bị xử tử, Gilmore đã nói, “Let’s do this.” Slogan này đã trở thành một huyền thoại, biến nó trở thành một Tagline bền vững của thương hiệu và được liên kết chặt chẽ với biểu tượng Logo “Swoosh” nổi tiếng của Nike cho tới ngày nay.
Brade Mar | Tổng hợp