Phân tích mô hình SWOT của Xiaomi, một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất tại Trung Quốc. Bài viết này sẽ phân tích Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) của Xiaomi.
Mục lục
1. Tổng quan về phân tích mô hình SWOT của Xiaomi
Xiaomi là một công ty thiết kế và sản xuất điện tử của Trung Quốc. Được thành lập vào năm 2010 bởi Lei Jun, doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh và đứng thứ tư trong số các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.
Các thiết bị tiêu dùng và thiết bị máy tính của Xiaomi là một trong những thiết bị phổ biến nhất tại Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Xiaomi liên quan đến Samsung và Apple vì doanh nghiệp này đang sắp vượt qua Samsung và Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc. Xiaomi đang phát triển nhanh chóng, hoạt động tại hơn 30 quốc gia. Theo IDC, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới và có doanh số mảng điện thoại thông minh đứng hàng đầu Trung Quốc.
Theo giá trị hiện tại của công ty, đây cũng là một trong bảy công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới. Xiaomi có một ý tưởng độc đáo trong việc thực hiện cải tiến sản phẩm dựa trên ý kiến của khách hàng. Điều này đã cho phép nó tiếp cận khách hàng theo những cách mà các doanh nghiệp khác không thể làm được, và nó đang trên con đường trở thành một thương hiệu hàng đầu trên toàn thế giới.
Xem thêm: Chiến lược Marketing của Xiaomi
2. Strengths (Điểm mạnh) của Xiaomi
Phân tích mô hình SWOT của Xiaomi bắt đầu bằng Strengths (Điểm mạnh) của Xiaomi.
Được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tập đoàn mẹ:
- Xiaomi là một trong những công ty điện tử tiêu dùng phát triển nhanh nhất của Trung Quốc. Xiaomi bắt đầu như một công ty sản xuất điện thoại di động nhưng hiện tại đã mở rộng sang các ngành hàng khác bao gồm một loạt các sản phẩm thiết bị tiêu dùng như các thiết bị thông minh, loa, tai nghe, máy tính xách tay, TV, máy bay không người lái, và thiết bị sạc.
- Điện thoại thông minh của Xiaomi, bao gồm các thương hiệu MI, RedMi và POCO, là những mặt hàng bán chạy nhất của công ty. Do một vấn đề pháp lý đang chờ xử lý với Ericsson về việc sử dụng các sản phẩm không phải của Qualcomm ở Ấn Độ, các mặt hàng này thường được vận hành trên CPU Qualcomm.
- Vào năm 2020, công ty đã bán được 146.3 triệu điện thoại thông minh và hệ điều hành MIUI của nó có hơn 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Trong quý 2 năm 2021, Xiaomi đã vượt qua Apple Inc. để trở thành nhà bán điện thoại thông minh lớn thứ hai trên toàn thế giới, với 17% thị phần (theo Canalys).
- Nó cũng là nhà sản xuất lớn các thiết bị bao gồm TV, đèn pin, máy bay không người lái và máy lọc không khí sử dụng hệ sinh thái sản phẩm Internet of Things và Xiaomi Smart Home.
Pin tốt:
- Có thể khẳng định điện thoại Xiaomi là một trong những lựa chọn hàng đầu nếu người dùng mong muốn sở hữu một dòng máy có thời lượng pin ngon nghẻ. Từ những sản phẩm điện thoại Xiaomi giá rẻ cho đến mặt hàng cao cấp, giá cao ngất ngưởng thì đều có điểm chung là dung lượng pin ấn tượng trong phân khúc.
- Những thỏi pin hơn 4000, 5000 mAh đã quá phổ biến trên điện thoại Xiaomi, cung cấp năng lượng cho một ngày dài hoạt động. Đây cũng là lý do lớn nhất mà nhiều người tin dùng điện thoại Xiaomi đến thời điểm này bởi ngay cả Apple cũng bị chê rất nhiều ở điểm này.
Kiểu dáng, thiết kế của điện thoại Xiaomi là một điểm cộng níu chân khách hàng:
- Điện thoại Xiaomi luôn đa dạng, linh hoạt trong kiểu dáng, màu sắc sản phẩm. Nó có cả thiết kế cụm camera chữ nhật đặt ngang, đặt dọc; cụm camera vuông lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang; cụm camera tròn.
- Ngay cả màu sắc mà các thế hệ điện thoại Xiaomi có cũng rất ưng ý, màu tối giản có mà rực rỡ cũng không thiếu. Phong cách thiết kế của điện thoại Xiaomi nhìn chung nhẹ nhàng, thanh lịch; với điện thoại Xiaomi gaming thì nhìn hầm hố, mạnh mẽ hơn.
Chiến lược giá cạnh tranh:
- Xiaomi cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với mức giá hợp lý. Theo người sáng lập, chủ tịch và CEO của công ty, mục tiêu chính của công ty là bán các mặt hàng với cùng mức giá mà chúng được sản xuất, biên lợi nhuận tối thiểu.
- Do đó, Xiaomi đặt mục tiêu giá bán thấp ngay từ đầu và lợi nhuận là chuyện của tương lai. Các phụ kiện, phần mềm và dịch vụ được sử dụng với sản phẩm của họ là nguồn thu chính tạo ra lợi nhuận của công ty.
- Chiến lược giá trong Chiến lược Marketing của Xiaomi với mục tiêu chính là chiếm thị phần tối đa. Cách tiếp cận giá của Xiaomi đã cho phép công ty tham gia và thống trị thị trường toàn cầu. Để tham gia vào thị trường, đầu tiên họ bắt đầu với điện thoại tính năng giá rẻ. Xiaomi đã dần dần trở thành một “kẻ khổng lồ” trong sân chơi điện thoại thông minh trên toàn thế giới.
Chiến lược phân phối khác biệt:
- Xiaomi là một tập đoàn Trung Quốc phục vụ thị trường toàn cầu. Ngoài thị trường lớn nhất là Trung Quốc, hiện tại, công ty còn đẩy mạnh hoạt động tại 11 thị trường chủ lực khác.
- Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Mexico, Thái Lan, Philippines, Nga, Singapore, Indonesia, Brazil, Ấn Độ và Việt Nam nằm trong số đó, với phần lớn các quốc gia nằm trong khối BRIC và khu vực Đông Nam Á.
- Bất chấp những nỗ lực mở rộng ra quốc tế, trọng tâm chính của Xiaomi là ở Trung Quốc, nơi nó đã có một cơ sở người dùng lớn. Doanh số bán hàng của Xiaomi chủ yếu thu được từ kênh trực tuyến hơn là tại các cửa hàng vật lý. Kết quả là, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều được hưởng lợi về giá cả.
- Khách hàng có thể truy cập các mặt hàng mà không phải trả tiền cho nhà phân phối, nhà bán buôn hoặc nhà bán lẻ, giúp công ty tiết kiệm rất nhiều tiền cho việc xây dựng và quản lý cửa hàng.
Hoạt động Marketing độc đáo:
- Công ty đã tạo nên tên tuổi bằng cách thu hút một lượng lớn người hâm mộ. “Just For Fans”, dự án có một không hai của Xiaomi, trong đó những người hâm mộ cuồng nhiệt của Xiaomi tham gia vào sự phát triển của sản phẩm ở mọi giai đoạn.
- Phần lớn nhân viên của Xiaomi là những khách hàng tận tụy trước đây đã tham gia nhóm phát triển sản phẩm. Trong cách tiếp cận này, Xiaomi đã đảm bảo rằng các sản phẩm của mình có chiến lược chiêu thị kéo (thu hút người tiêu dùng) chứ không phải là chiến lược chiêu thị đẩy (thu hút nhà phân phối).
- Các trang web Microblogging và các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter đã được sử dụng để quảng bá thương hiệu. Họ thường xuyên tổ chức các chương trình bán hàng chớp ngoáng (flash), thôi thúc khách hàng phải mua vì sự giới hạn thời gian.
- Chiến lược Marketing của Xiaomi đã tạo ra một tiếng vang xung quanh việc bán hàng, với một số báo cáo tuyên bố rằng một số mặt hàng đã được bán hết chỉ trong 6 phút. Doanh số bán hàng của Xiaomi tăng lên nhờ sự chú ý này. Chiến lược truyền thông xã hội của Xiaomi cũng chạy hồ sơ Weibo cho từng dòng sản phẩm ở Trung Quốc, cũng như tài khoản Facebook ở các khu vực khác.
Xem thêm: Chiến lược quảng cáo của Xiaomi
3. Weaknesses (Điểm yếu) của Xiaomi
Phân tích mô hình SWOT của Xiaomi tiếp theo là Weaknesses (Điểm yếu) của Xiaomi.
Máy sẽ bị nóng lên khi sử dụng 4G để chơi game liên tục: Để giảm nhiệt tỏa ra, người dùng cần phải cập nhật phiên bản Android mới nhất. Vì phiên bản mới với chip 845 rất mạnh về xung nhịp nên tỏa ra nhiều nhiệt. Ngoài ra, một số dòng Xiaomi trang bị khung kim loại nên giúp nhiệt độ tỏa ra giảm đáng kể.
Trọng lượng nặng: Với những bạn quen dùng máy có khung nhựa thì điện thoại Xiaomi sẽ hơi nặng vì khung làm bằng kim loại với viên pin 3400 mAh.
Đôi lúc sẽ bị nhận thông báo hơi chậm. Tuy nhiên, nó thực sự không phải vấn đề lớn, nhưng có thể sẽ làm người dùng thấy khó chịu vì sự trễ nải. Đây là một điểm yếu đáng chú ý khi phân tích mô hình SWOT của Xiaomi.
Cầm trơn tay, dễ bị rơi: Mặt sau máy làm từ kim loại dễ trơn đôi khi sẽ bị trượt rơi.
Xiaomi liên tục dính bê bối khiến người dùng nổi giận:
- Thương hiệu Xiaomi ngày càng có nhiều người dùng biết đến thông qua các sản phẩm mới của hãng được khách hàng nhận xét tích cực. Cộng đồng Mi Fan phát triển có thể minh chứng các smartphone của hãng có nhiều người dùng tin tưởng chọn mua và sử dụng. Tuy nhiên cách xử lý 2 vụ bê bối gần đây của hãng này lại khiến Mi Fan không hài lòng và có phần thất vọng.
- Quick Apps trên điện thoại Xiaomi bị Google khóa vì thu thập thông tin người dùng. Ứng dụng này không thể được tải từ Google Play Store, hãng Xiaomi cài đặt sẵn trên điện thoại bán ra. Chức năng Google Play Protect vẫn có thể quét cả các ứng dụng cài đặt trước để ngăn chặn mã độc.
- Khi người dùng truy cập vào Quick Apps sẽ nhận được thông báo “Ứng dụng này có thể thu thập dữ liệu được dùng để theo dõi bạn”. Cụ thể hơn, ứng dụng yêu cầu đến 55 quyền truy cập, thu thập cả IMEI của điện thoại, số điện thoại đang sử dụng, thông tin người dùng…
- Vô lý hơn nữa là ứng dụng có cả quyền truy cập camera, ghi âm và cài đặt thêm ứng dụng mà không cần cho phép của người dùng. Các chuyên gia bảo mật của Google đã phải lên tiếng về mức độ nguy hiểm khi Xiaomi thu thập đa dạng dữ liệu người dùng. Xiaomi đã trả lời với báo Gizchina đây là sự cố do thuật toán của Google Play Protect nhưng liệu câu trả lời này có thật sự thỏa đáng vẫn còn là câu hỏi.
- Redmi Note 7S tự bốc cháy. Khách hàng Chavhan Ishwar (Ấn Độ) cho biết đã đặt mua chiếc Redmi Note 7S vào ngày 1/10/2019 và nhận được hàng 2 ngày sau đó. Tuy nhiên, đến ngày 2/11/2019 thì điện thoại này bỗng nhiên tự bốc cháy. Theo lời kể từ Chavhan, ông không hề vừa sạc vừa sử dụng, chỉ đặt trên bàn và nó tự bốc cháy khi ông đang làm việc.
- Chavhan Ishwar cho biết đã liên hệ với Xiaomi ở Thane (phía Tây Ấn Độ), sau vài ngày kiểm tra thì kết quả trả về là từ chối bảo hành vì sự cố xảy ra do lỗi pin điện thoại. Không hài lòng với kết quả này, Chavhan Ishwar gọi trực tiếp cho Xiaomi và được giải thích thêm là pin không được bảo hành nên trường hợp này hãng không tiếp nhận.
Xem thêm: Phân tích mô hình SWOT của OPPO
4. Opportunities (Cơ hội) của Xiaomi
Phân tích mô hình SWOT của Xiaomi tiếp theo là Opportunities (Cơ hội) của Xiaomi.
Thị trường Smartphone Việt Nam nhiều tiềm năng:
- IDC vừa phát hành báo cáo về thị trường smartphone Việt Nam trong năm 2021 vừa qua. Theo đó, doanh số điện thoại thông minh tại thị trường Việt Nam đạt 15,9 triệu máy với mức tăng trưởng 11,9% trong năm 2021. Công ty dự báo tăng trưởng năm 2022 sẽ đạt 22%, tức gần gấp đôi năm ngoái. Do chính sách ngừng nhập khẩu điện thoại chỉ hỗ trợ 2G, thị trường smartphone Việt Nam có động lực phát triển mạnh hơn vào quý 4/2021 và trong năm 2022 này.
- Theo số liệu, 5 hãng smartphone lớn nhất thị trường năm 2021 vẫn là những tên tuổi quen thuộc: Samsung, Oppo, Apple, Xiaomi, Vivo. Trong đó, hai vị trí dẫn đầu đã không thay đổi trong ít nhất 7 năm trở lại đây.
- Trong Top 10 quốc gia có dân số sử dụng smartphone nhiều nhất, đứng đầu là Trung Quốc, sau đó lần lượt là Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga, Nhật Bản, Mexico, Đức và Việt Nam. Riêng khu vực Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ 5.
- Tuy nhiên, đó là xếp hạng tính theo số lượng tuyệt đối người sử dụng smartphone. Nếu tính theo tỷ lệ người dùng smartphone/dân số (thống kê dân số năm 2019), thì Việt Nam vượt qua Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc. Với tiêu chí này, Trung Quốc đạt tỉ lệ người sử dụng smartphone/dân số khoảng 65%, Việt Nam xếp thứ 2 với tỉ lệ khoảng 63,6%, Nhật Bản đạt khoảng 60%, Indonesia khoảng 59,2%, còn Ấn Độ chỉ nhỉnh hơn 32% một chút.
- Từ Top 10 được Statistic công bố theo tiêu chí về số lượng tuyệt đối, nếu thay đổi tính theo tiêu chí tỷ lệ người dân sử dụng smartphone/tổng dân số, ngôi vị xếp hạng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Khi đó, Trung Quốc chỉ xếp thứ 4, ngôi vị 1, 2, 3 lần lượt thuộc về Mỹ, Đức, Nga. Và Việt Nam, lại vươn lên giữa Top 10, với vị trí thứ 5.
- Như vậy nếu xét theo tiêu chí tỉ lệ dân số sử dụng smartphone, Việt Nam đứng vị trí thứ 5 ở khu vực Châu Á và cũng đứng vị trí thứ 5 trong Top 10 quốc gia có dân số sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới. Đó là vị trí xếp hạng cao và cân bằng thay vì có sự cách biệt về vị trí xếp hạng giữa 2 tiêu chí như một số quốc gia trong Top 10.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”:
- Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
- Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
- Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh;
- 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc;
- Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế – xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Người Việt chuộng đồ công nghệ mới, đắt tiền:
- Người Việt có xu hướng chọn mua thiết bị công nghệ hiện đại, với chi tiêu trung bình cho đồ điện tử thuộc top đầu các nước trong khu vực.
- Năm 2021, chi tiêu trung bình cho hàng điện máy và công nghệ viễn thông ở Việt Nam là 122 USD (2,8 triệu đồng). Mức này ngang Thái Lan, cao hơn Indonesia và thấp hơn Singapore. Người Việt cũng nằm trong nhóm tiêu dùng có chọn lọc, thích đồ công nghệ mới, hiện đại.
- Ở lĩnh vực điện thoại, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng smartphone bán ra thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt từ 15,7 triệu chiếc vào năm 2020 lên 16,8 triệu chiếc năm ngoái. Tỷ trọng smartphone với điện thoại cơ bản cũng lớn dần qua từng năm. Năm 2020, con số tương ứng là 71% và 29%. Đến 2021, tỷ trọng đã là 80% và 20%.
- Năm 2017, người Việt sẵn sàng chi khoảng 257 USD (5,8 triệu đồng) cho một smartphone, nhưng hiện con số này tăng lên 292 USD (6,6 triệu đồng). Thống kê cho thấy trong năm 2021, 85% smartphone bán tại Việt Nam dùng vi xử lý 8 nhân, thay cho vi xử lý từ 6 nhân trở xuống. Bộ nhớ RAM trung bình 3-4GB nhưng xu hướng sử dụng RAM 6-8GB đang tăng nhanh.
- Người Việt thích nâng cấp smartphone có cấu hình cao hơn, hỗ trợ công nghệ mới như 5G và bộ nhớ lớn. Giá bán lẻ trung bình của smartphone có xu hướng tăng trong năm nay.
Thời lượng sử dụng Internet của người Việt Nam cao:
- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương vừa công bố ấn phẩm Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Tương tự như những ấn phẩm được xuất bản trước đây, nội dung Sách trắng được xây dựng từ kết quả điều tra gần 5.000 người tiêu dùng và khoảng 10.000 doanh nghiệp, cùng với số liệu tổng hợp từ một số tổ chức có uy tín trên thế giới.
- Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dùng điện thoại di động để truy cập Internet đã tăng từ 57% trong năm 2020 lên 88% trong năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ người dùng máy tính để bàn/ máy tính xách tay để truy cập Internet đã giảm từ 80% năm 2020 xuống 78% vào năm 2021.
- Về thời gian truy cập Internet trung bình mỗi ngày, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tỷ lệ người dùng dành ra từ 3-9 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet trong năm 2021 có xu hướng giảm so với năm 2020. Cụ thể, tỷ lệ người dùng dành ra 3-5 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet đã giảm từ 31% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2021.
- Tương tự, tỷ lệ người dùng dành ra 5-7 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet xuống mức 23% vào năm 2021 so với con số 28% vào năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ người dùng dành ra hơn 9 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet trong năm 2021 có xu hướng tăng mạnh so với năm 2020, từ 9% lên 22%.
Xem thêm: Phân tích mô hình SWOT của iPhone
5. Threats (Thách thức) của Xiaomi
Phân tích mô hình SWOT của Xiaomi cuối cùng là Threats (Thách thức) của Xiaomi.
Thị trường cạnh tranh:
- Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, năm 2021, Samsung Electronics đã giữ ngôi vương trên thị trường smartphone tại 4 quốc gia Đông Nam Á lớn (Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) với 20,7% thị phần.
- So với năm trước, thị phần của ông lớn điện tử Hàn Quốc đã tăng 0,9%. Oppo vốn chiếm giữ vị trí số 1 thị trường trước đó đã rơi xuống vị trí thứ 2 với 19,9% thị phần, giảm 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tiếp theo đó là Vivo (17%), Xiaomi (15%) và Realme (12,5%).
- Được biết, Xiaomi, Apple và Realme đã ghi nhận doanh số kỷ lục tại 4 quốc gia Đông Nam Á vào năm ngoái. Mặc dù Xiaomi có chững lại trong nửa cuối năm do thiếu hụt linh kiện, nhưng doanh số bán hàng theo năm của hãng đã tăng 17% so với năm trước đó.
- Dòng iPhone 12 và 13 của Apple cũng đạt doanh số cao, tăng 68% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam, doanh số bán iPhone tăng 119% so với năm trước đó, đem về cho Apple 9% thị phần, đưa hãng lên vị trí thứ 5 sau Samsung (34%), Oppo (19%), Xiaomi (13%) và Vivo (11%).
- Người ta dự đoán rằng sau các công ty Trung Quốc như Huawei, Google sẽ tham gia thị trường Foldable phone (điện thoại có thể gập) vốn đang được thống trị bởi Samsung Electronics.
Các vấn đề liên quan tới pháp lý:
- Áp lực về các vấn đề liên quan tới pháp lý tiếp tục tăng cao trong những năm gần đây. Lý do chủ yếu đến từ ngành công nghệ đang mở rộng nhanh chóng dẫn đến nhu cầu về một khung pháp lý hoàn chỉnh để giải quyết các mối quan tâm mới. Hầu hết các thương hiệu công nghệ hàng đầu đang phải giải quyết hết vấn đề pháp lý này tới vấn đề pháp lý khác.
- Những vấn đề pháp lý này có thể gây rắc rối, tổn thất kinh tế, tốn kém tiền bạc nếu Doanh nghiệp bị phát hiện không tuân thủ bất kỳ đạo luật nào. Từ bảo mật dữ liệu đến quyền riêng tư của người tiêu dùng, luật lao động, luật bảo vệ môi trường đều là những vấn đề về pháp lý mà các Doanh nghiệp công nghệ đang phải đối mặt.
Xem thêm: Phân tích mô hình SWOT của VPBank
Brade Mar