CTCP Dầu thực vật Tường An là một công ty cổ phần của Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm dầu thực vật.
1. Giới thiệu chung về Tường An
- Công ty: CTCP Dầu thực vật Tường An
- Thành lập: 1977
- Trụ sở: Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Sản phẩm: Dầu thực vật
- Website: https://www.tuongan.com.vn/
- Tìm hiểu thêm các công ty và thương hiệu khác tại đây: Network | Brade Mar
Công ty dầu thực vật Tường An thành lập vào năm 1977 và chuyển sang công ty cổ phần vào năm 2004. Sau hơn 35 năm liên tục đầu tư xây dựng và phát triển, đến nay với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến, Tường An đạt tổng công suất 240.000 tấn/năm, gồm 2 Nhà máy sản xuất.
Mạng lưới phân phối của Tường An với hơn 200 nhà phân phối và đại lý tiêu thụ sản phẩm, 100 khách hàng sản xuất công nghiệp và 400 siêu thị, nhà hàng, quán ăn, trường học, nhà trẻ,… được xây dựng rộng khắp 64 tỉnh thành trên cả nước.
2. Lịch sử của Tường An
1977 – 1984:
- Tiếp quản và sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch
- Ngày 20/11/1977, Bộ lương thực thực phẩm ra quyết định số 3008/LTTP-TC chuyển Xí Nghiệp Công quản dầu ăn Tường An Công ty thành Xí Nghiệp công nghiệp quốc doanh trực thuộc Công ty dầu thực vật miền Nam, sản lượng sản xuất hàng năm theo chỉ tiêu kế hoạch.
1985 – 1990:
- Được chuyển giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh, xây dựng hoàn chỉnh nhà máy và đầu tư mở rộng công suất.
- Tháng 07/1984 nhà nước xóa bỏ bao cấp, giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh cho các đơn vị. Nhà máy dầu Tường An là đơn vị thành viên của Liên hiệp các xí nghiệp dầu thực vật Việt Nam, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, được chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Trong giai đoạn này, sản phẩm sản xuất và tiêu thụ chủ yếu của Tường An là các sản phẩm truyền thống như Shortening, Margarine, Xà bông bánh. Đây là thời kỳ vàng son nhất của sản phẩm Shortening, thiết bị hoạt động hết công suất nhưng không đủ cung cấp cho các nhà máy sản xuất mì ăn liền. Dầu xuất khẩu, chủ yếu là dầu dừa lọc sấy chiếm tỷ lệ cao trên tổng sản lượng (32%). Việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các mặt hàng luôn là vấn đề được quan tâm thường xuyên vì vậy sản phẩm Tường An trong giai đoạn này đã bắt đầu được ưa chuộng và có uy tín trên thị trường.
1991 – 2004:
- Đầu thập niên 90 là thời kỳ đất nước thực hiện chính sách kinh tế mở cửa, hàng hóa xuất nhập khẩu dễ dàng và đa dạng. Một số sản phẩm dầu ngoại nhập bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam, các cơ sở ép địa phương được hình thành với quy mô nhỏ và trung bình, các sản phẩm dầu ăn bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế thị trường.
- Với bối cảnh trên, năm 1991 các sản phẩm dầu đặc của Tường An bị cạnh tranh quyết liệt từ sản phẩm Shortening ngoại nhập. Trước tình hình đó, Tường An đã xác định lại phương án sản phẩm: vẫn duy trì mặt hàng Magarine và Shortening truyền thống để cung cấp cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao mà hàng ngoại nhập không thay thế được, mặt khác đầu tư cải tiến mẫu mã bao bì kết hợp tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng mỡ động vật để đẩy mạnh sản xuất dầu lỏng tinh luyện, mỡ rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Dầu Cooking Tường An được đưa ra thị trường từ tháng 10/1991, Tường An là đơn vị đi đầu trong sản xuất dầu Cooking cho người tiêu dùng và cũng là đơn vị đầu tiên vận động tuyên truyền người dân dùng dầu thực vật thay thế mỡ động vật trong bữa ăn hàng ngày để phòng ngừa bệnh tim mạch. Sản lượng tiêu thụ dầu Cooking tăng lên nhanh chóng những năm sau đó (năm 1992 đạt 215% so với năm 1991, năm 1993 đạt 172% so voi năm 1992), được người tiêu dùng ưa chuộng và trở thành sản phẩm chủ lực của Tường An từ đó đến nay.
- Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Tường An đã liên tục đổi mới trang thiết bị cũng như công nghệ sản xuất, thiết lập dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu khai thác dầu thô đến khâu đóng gói bao bì thành phẩm.
- Các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng của Tường An nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực và quy mô sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
- Năm 1994 đầu tư máy thổi chai PET của Nhật, đây là dây chuyền thực sự phát huy hiệu quả, Tường An là một trong những đơn vị sản xuất đầu tiên ở Việt Nam có dây chuyền thổi chai PET và chai PET đã được người tiêu dùng đánh giá cao và góp phần đưa sản xuất dầu chai các loại phát triển.
- Năm 1997 lắp đặt dây chuyền chuyền chiết dầu chai tự động của CHLB Đức công suất 5000 chai 1 lit/giờ. Đây là dây chuyền chiết rót chai tự động đầu tiên ở Việt Nam, giúp Tường An tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động để phục vụ kịp thời nhu cầu tăng nhanh của thị trường.
- Năm 1998 mặt bằng được mỡ rộng thêm 5700m2 nâng tổng diện tích Tường An lên 22000m2, xây trạm biến thế điện 1000KVA, lắp đặt thêm 4300 m3 bồn chứa.
- Năm 2000 lắp đặt dây chuyền thiết bị tinh luyện dầu tự động công suất 150 tấn/ngày công nghệ Châu Âu, góp phần nâng tổng công suất Tường An lên 240 tấn/ngày.
- Năm 2002 thiết bị hoạt động hết công suất, Tường An đã mua lại Công ty dầu thực vật Nghệ An công suất 30 tấn/ngày thành phân xưởng sản xuất của Tường An. Phân xưởng này sau đó đã được đầu tư cải tạo nâng công suất lên 60 tấn/ngày, là Nhà máy dầu Vinh của Tường An hiện nay.
- Năm 2004 bắt đầu dự án xây dựng Nhà máy dầu Phú Mỹ công suất 600 tấn/ngày tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, Bà Rịa Vũng Tàu với tổng giá trị đầu tư hơn 330 tỷ đồng.
2004 – 2015:
- Từ ngày 01/10/2004, việc chuyển đổi mô hình tổ chức, và hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với Tường An. Quy mô hoạt động được nâng lên, Tường An đã liên tục đổi mới và nâng tầm hoạt động để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển. Đó là việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, bổ sung nhân lực cho các vị trí còn yếu và thiếu; nâng cấp và mở rộng hệ thống phân phối, đào tạo đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp; đồng thời triển khai chương trình phần mềm vi tính mới nối mạng toàn Công ty nhằm cung cấp số liệu kịp thời cho công tác quản trị, giúp định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, lành mạnh hóa tài chính, hạn chế những rủi ro và đặc biệt là tạo các nguồn lực để tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán vào đầu năm 2007.
- Năm 2005 Tường An lắp đặt thêm hai dây chuyền chiết dầu chai tự động công nghệ tiên tiến của Châu Âu, nâng tổng công suất chiết dầu chai tự động của Tường An lên 22500 lit/giờ, tăng gấp 4,5 lần so với trước đây.
- Bên cạnh đó, dự án Nhà máy dầu Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, Bà Rịa Vũng Tàu tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành vào cuối năm 2006. Đây là bước chuẩn bị tích cực của Tường An trong tiến trình tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
2016: Tường An sáp nhập Kido
Brade Mar (Cập nhật 01/2022)
(*) Lưu ý: Bài viết mang tính chất nghiên cứu cá nhân, không đại diện cho bất cứ tổ chức nào.