Loại hình cửa hàng bán lẻ hay còn gọi một cách đơn giản là “loại kênh bán lẻ”, là một khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực bán lẻ nói chung và trong Marketing thương mại (Trade Marketing) nói riêng. Việc phân biệt được sự khác nhau giữa các loại hình cửa hàng bán lẻ sẽ giúp người làm Marketing lựa chọn kênh phân phối phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp.
Định nghĩa một cách đơn giản nhất, hình thức bán lẻ là một địa điểm buôn bán hàng hóa với diện tích và số lượng hàng hóa đa dạng. Tại một số quốc gia trên thế giới, thị trường bán lẻ thường bị chi phối bởi các cửa hàng gia đình nhỏ lẻ, nhưng hiện nay các chuỗi bán lẻ đang ngày một phát triển và chiếm ưu thế bằng việc tạo ra sức mua lớn, đem lại cho người tiêu dùng một khoản tiết kiệm lớn.
Một số chuỗi bán lẻ còn tự sản xuất những nhãn hiệu riêng (Private Labels) nhằm cạnh tranh với các thương hiệu của nhà sản xuất. Ví dụ như chuỗi bán lẻ Lotte tại Việt Nam thường có những Private Labels mang tên Lotte thuộc nhiều ngành hàng khác nhau, chẳng hạn khăn giấy mang nhãn hiệu Lotte, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu của nhà sản xuất bày bán tại siêu thị Lotte như Pulppy, Bless You hay Kleenex.
Ưu thế của nhà bán lẻ ngày nay ngày càng lớn đã làm thay đổi toàn cảnh ngành bán lẻ với việc chuyển giao quyền lực từ các nhà bán buôn sang các chuỗi bán lẻ lớn. Xét theo chiến lược Marketing, cụ thể là trong Trade Marketing, bạn có thể nghe những loại hình bán lẻ quen thuộc như siêu thị, siêu thị mini hay gần đây là sự trỗi dậy mạnh mẽ của cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, có thể bạn không biết rằng, các loại hình bán lẻ ngày này đã đa dạng hơn rất nhiều. Bài viết này sẽ giới thiệu 30 loại hình cửa hàng bán lẻ phổ biến trên thế giới được phân loại theo chiến lược Marketing. Nhưng trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài loại hình cửa hàng bán lẻ được phân loại theo mặt hàng bày bán.
Mục lục
- 0. Các loại hình cửa hàng bán lẻ phân loại theo sản phẩm bày bán
- 1. Khu mua sắm (Shopping Arcade)
- 2. Cửa hàng chủ chốt (Anchor Store)
- 3. Cửa hàng lớn (Big-box Store)
- 4. Cửa hàng giảm giá (Discount Store)
- 5. Cửa hàng bán lẻ tổng hợp (General Merchandise Retailer)
- 6. Cửa hàng dẫn đầu ngành hàng (Category Killer)
- 7. Cửa hàng chuỗi (Chain Store)
- 8. Cửa hàng trải nghiệm (Concept Store)
- 9. Cửa hàng chuyên biệt (Speciality Store)
- 10. Cửa hàng miễn phí (Give-away Shop)
- 11. Cửa hàng tạm thời (Pop-up Store)
- 12. Cửa hàng ngách cao cấp (Boutique)
- 13. Cửa hàng bách hóa (Department Store)
- 14. Siêu thị (Supermarket)
- 15. Đại siêu thị (Hypermarket)
- 16. Trung tâm thương mại (Shopping Mall)
- 17. Cửa hàng tiện lợi (Convenience Store)
- 18. Siêu thị Mini (Minimart)
- 19. Cửa hàng bán rong (Hawkers)
- 20. Đại lý tổng hợp (General Store)
- 21. Cửa hàng nhỏ lẻ (Mom-and-pop Store)
- 22. Cửa hàng hỗn tạp (Variety Store)
- 23. Chợ (Marketplace)
- 24. Chợ trời (Market Square)
- 25. Câu lạc bộ bán buôn (Warehouse Club)
- 26. Cửa hàng kho giá rẻ (Warehouse Store)
- 27. Máy bán hàng tự động (Vending Machine)
- 28. Cửa hàng điện tử (E-tailer)
- 29. Cửa hàng đồ cũ (Second-hand Shop)
- 30. Cửa hàng dẫn đầu (Flagship Store)
0. Các loại hình cửa hàng bán lẻ phân loại theo sản phẩm bày bán
Cửa hàng bán lẻ thực phẩm (Food Retailers): Đây là những cửa hàng chuyên bán các loại thực phẩm dễ hư hỏng như thịt, sữa hay các loại thực phẩm tươi sống đòi hỏi bảo quản lạnh. Shopper mua hàng trong các cửa hàng này thường có hành vi mua hàng thường xuyên, ví dụ mua hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng.
Cửa hàng Softline (Softline Retailers): Những cửa hàng bán lẻ các hàng hóa sử dụng 1 lần ví dụ như đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, thuốc; cùng với đó là bán các sản phẩm có thời gian sử dụng thường dưới 3 năm, chẳng hạn quần áo, giày dép, v.v
Cửa hàng Hardline (Hardline Retailers): Những cửa hàng chuyên bán các sản phẩm xe hơi, thiết bị gia dụng, đồ điện tử, đồ nội thất, v.v Hàng hóa ở đây có tính bền và ít hao mòn. Các sản phẩm bày bán tại đây thường được người tiêu dùng rất kỹ lưỡng trong quá trình ra quyết định mua hàng.
Cửa hàng tạp hóa và tiện lợi (Grocery and Convenience Retail): Các cửa hàng tạp hóa, bao gồm siêu thị và đại siêu thị, cùng với các cửa hàng tiện lợi, bày bán những đa dạng những mặt hàng thực phẩm, chất tẩy rửa hay đồ vệ sinh cá nhân. Những mặt hàng này được gọi chung là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Cửa hàng chuyên doanh (Specialist Retailers): Đây là những cửa hàng chuyên bán 1 loại mặt hàng, ví dụ như hiệu sách, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng quà tặng, v.v
Trên đây là một vài loại hình cửa hàng bán lẻ được phân loại theo sản phẩm bày bán. Sau đây chúng ta sẽ đi vào nội dung chính của bài viết với 30 loại hình cửa hàng bán lẻ phân loại theo chiến lược Marketing.
Lưu ý: Mỗi thương hiệu bán lẻ có thể thuộc nhiều loại hình cửa hàng bán lẻ. Ví dụ như Parkson Plaza tại Việt Nam vừa là một Shopping Mall nhưng cũng là một Department Store. Hay các cửa hàng Walmart vừa là một Hypermarket (là một Big-box Store), đồng thời cũng là Chain Store.
1. Khu mua sắm (Shopping Arcade)
Theo định nghĩa, Shopping Arcade, hay còn được gọi là Shopping Center, Shopping Complex, Shopping Plaza hoặc Galleria, là một nhóm những cửa hàng bán lẻ hoạt động “dưới cùng 1 mái che”. Như vậy, Shopping Arcade tương tự như những trung tâm mua sắm (Shopping Mall), tuy nhiên số lượng cửa hàng bán lẻ tại đây lại ít hơn các trung tâm mua sắm. Shopping Arcade chính là tiền thân của Shopping Mall. Các khu mua sắm thiên về hoạt động giải trí còn được gọi là Penny Arcades, phiên bản hiện đại hơn của Shopping Arcade.
Tuy nhiên, trong một số phân loại hiện nay, người ta xếp Shopping Arcade (hay Shopping Center) là một khái niệm nói chung, bao gồm cả Shopping Mall. Theo đó, Hội đồng Khu mua sắm quốc tế (International Council of Shopping Centers – ICSC) phân loại các khu mua sắm thành 2 nhóm chính, bao gồm: Khu mua sắm đa năng (General-purpose Shopping Centers) và Khu mua sắm chuyên biệt (Specialized Shopping Centers).
Khu mua sắm đa năng (General-purpose Shopping Centers) bao gồm:
- Super-regional Mall: Là một Shopping Mall có tổng diện tích cho mặt sàn trên 74,000m2, có trên 3 cửa hàng chủ chốt (Anchor Store), thường được coi là địa điểm mua sắm chủ chốt của một khu vực có bán kính rộng 40km. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các Shopping Mall có diện tích cho thuê (chỉ tính diện tích mặt sàn các cửa hàng cho thuê) trên 74,000m2 được gọi là Mega-mall.
- Regional Mall: Là một Shopping Mall có tổng diện tích mặt sàn từ 37,000m2 – 74,000m2, có ít nhất 2 cửa hàng chủ chốt (Anchor Store).
- Community Shopping Center: Còn được gọi là Large Neighborhood Centers hay Retail Parks tại Anh và châu Âu, thường bao gồm 2 cửa hàng chủ chốt (Anchor Store) có diện tích lớn hơn các cửa hàng Neighborhood Center thông thường. Diện tích của Community Shopping Center từ 9,300 – 32,500m2), phục vụ khu vực có bán kính rộng từ 4.8 – 9.7km.
- Neighborhood Center: Còn được gọi là Neighborhood Shopping Center, là một khu mua sắm phục vụ các khu vực địa phương. Khu mua sắm này thường có 1 cửa hàng chủ chốt (Anchor Store) là siêu thị (Supermarket). Neighborhood Center có diện tích từ 2,800 – 13,900m2), phục vụ khu vực có bán kính rộng 4.8km. Tại Anh và châu Âu, một khu mua sắm như vậy nếu rộng trên 5,000m2 còn được gọi là Small Retail Park.
- Strip Mall (Convenience Center): Còn được gọi là Strip Center hay Strip Plaza, là một khu mua sắm phổ biến ở Bắc Mỹ. Tuy được gọi là “Mall” (Trung tâm mua sắm) nhưng loại hình cửa hàng bán lẻ này không được coi là một “Mall” thực sự, đôi khi chúng còn được gọi là Convenience Centers, có diện tích mặt sàn dưới 2,800m2, có các cửa hàng được sắp xếp nối tiếp nhau theo hàng dài với vỉa hè và bãi đậu xe ở phía trước. Các cửa hàng Strip Mall diện tích nhỏ thường được gọi là Mini-mall, trong khi các cửa hàng Strip Mall lớn hơn được gọi là Power Centers hay Big-box Centers.
Khu mua sắm chuyên biệt (Specialized Shopping Centers) bao gồm:
- Power Centers: Power Centers hay còn được gọi là Big-box Centers là khu vực mua sắm ngoài trời hoặc trong trung tâm thành phố, chỉ có 1 số cửa hàng Big-box Store đóng vai trò là cửa hàng chủ chốt (Anchor Store). Diện tích Power Centers từ 23,000 – 56,000m2 với khu vực phục vụ có bán kính rộng từ 8 – 16km.
- Lifestyle Center: Là một khu mua sắm hoặc phát triển thương mại kết hợp các chức năng của một trung tâm mua sắm (Shopping Mall), với các tiện nghi giải trí hướng tới người tiêu dùng thu nhập cao.
- Theme/ Festival Center: Các khu mua sắm tổ chức với chủ đề rõ ràng với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng riêng biệt. Festival Center thường xuất hiện tại khu vực thành thị, phục vụ nhiều cho khách du lịch, có diện tích từ 7,400 – 23,200m2.
- Outlet Center: Còn được gọi là Factory Outlet hay Factory Shop, là một khu mua sắm, nơi nhà sản xuất bán sản phẩm trực tiếp qua các cửa hàng của chính họ tạo ra thay vì qua trung gian. Ví dụ các cửa hàng mang thương hiệu nhà sản xuất như Gap hay Bon Worth.
- Pedestrian Mall: Là khu mua sắm ở khu vực phố đi bộ trong trung tâm thành phố, nơi tập trung các cửa hàng ở 2 bên con đường đi bộ.
2. Cửa hàng chủ chốt (Anchor Store)
Cửa hàng chủ chốt (Anchor Store), còn được gọi là Anchor Tenant, Draw Tenant hoặc Key Tenant, là một cửa hàng lớn với danh tiếng tốt nằm trong một trung tâm mua sắm (Shopping Mall), thường được ưu tiên sử dụng làm địa điểm để thu hút người mua tới trung tâm. Lợi ích mà các cửa hàng chủ chốt nhận lại đó là hưởng giá thuê rẻ hơn các cửa hàng khác trong trung tâm. Bù lại, họ phải ký hợp đồng thuê dài hạn với trung tâm mua sắm để giúp trung tâm thu hút khách hàng.
Thông thường, các cửa hàng chủ chốt sẽ là những cửa hàng bách hóa (Department Store) hoặc chuỗi bán lẻ (Retail Chain). Ví dụ một số cửa hàng Anchor Store tại Hoa Kỳ có thể kể đến như Macy’s, Sears, JCPenney, hay Nordstrom.
3. Cửa hàng lớn (Big-box Store)
Cửa hàng lớn (Big-box Store) là một thuật ngữ nói chung chỉ các loại hình cửa hàng quy mô lớn, bán đầy đủ tất cả các loại mặt hàng. Thường Big-box Stores sẽ là một tòa nhà lớn, nguyên khối, có bãi đậu xe riêng. Chẳng hạn, Đại siêu thị (Hypermarket) cũng là một loại hình bán lẻ thuộc Big-box Stores (Hypermarket là cửa hàng quy mô lớn chuyên bán các mặt hàng giảm giá, giá thấp).
4. Cửa hàng giảm giá (Discount Store)
Cửa hàng giảm giá (Discount Stores) là những cửa hàng cung cấp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ với lợi thế cạnh tranh về giá. Những cửa hàng này bán các sản phẩm với giá thấp hơn những nhà bán lẻ khác. Trước đây, những cửa hàng giảm giá loại này thường ít bán ngành hàng thời trang, tuy nhiên trong những năm gần đâu, những công ty như TJX Companies (sở hữu T.J. Maxx và Marshalls) hay Ross Stores đang triển khai các cửa hàng giảm giá, cung cấp các thương hiệu thời trang quy mô lớn.
Cửa hàng giảm giá (Discount Stores) là một khái niệm chung chỉ những loại hình cửa hàng bán giá rẻ chứ không phải một loại cửa hàng đặc trưng riêng biệt. Discount Stores thường bao gồm: Đại siêu thị (Hypermarkets), Cửa hàng dẫn đầu ngành hàng (Category Killers), Câu lạc bộ bán buôn (Warehouse Club).
5. Cửa hàng bán lẻ tổng hợp (General Merchandise Retailer)
Cửa hàng bán lẻ hàng hóa tổng hợp (General Merchandise Retailer) là khái niệm chung, chỉ những cửa hàng bán đa dạng nhiều chủng loại sản phẩm (chiều sâu tập sản phẩm kéo dài). Các chủng loại này cung cấp các sản phẩm khác nhau trong danh mục sản phẩm. Cửa hàng bách hóa (Department Stores), Cửa hàng tiện lợi (Convenience Stores), Đại siêu thị (Hypermarkets) và Câu lạc bộ bán buôn (Warehouse Club) đều là những cửa hàng bán lẻ hàng hóa tổng hợp điển hình.
6. Cửa hàng dẫn đầu ngành hàng (Category Killer)
Cửa hàng dẫn đầu ngành hàng (Category Killer) thường là một Cửa hàng lớn (Big-box Store), một loại hình cửa hàng bán lẻ chuyên cung cấp nhiều loại sản phẩm đa dạng trong một danh mục sản phẩm nhất định với lợi thế cạnh tranh chuyên biệt. Ví dụ chuỗi bán lẻ đồ chơi Toys “R” Us là một chuỗi cửa hàng Category Killer với rất nhiều sản phẩm nằm trong danh mục đồ chơi cho trẻ em. Các chuỗi khác như Barnes & Noble, Best Buy, CompUSA, Linens ‘n Things, và Staples cũng được coi là Category Killer.
7. Cửa hàng chuỗi (Chain Store)
Cửa hàng chuỗi (Chain Store) là hệ thống một loạt các cửa hàng cùng sở hữu bởi 1 công ty và bán cùng 1 loại hàng hóa. Các cửa hàng chuỗi trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và bán lẻ ngày càng thống trị ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình nhất là chuỗi bán lẻ Walmart – tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Cửa hàng nhượng quyền là một hình thức của Chain Store.
8. Cửa hàng trải nghiệm (Concept Store)
Cửa hàng trải nghiệm (Concept Store) giống như Cửa hàng chuyên biệt (Speciality Store) nhưng đây là một điểm bán lẻ có quy mô rất nhỏ, chỉ bán hạn chế một vài nhãn hàng hoặc 1 nhãn hàng duy nhất, các mặt hàng này thường là những mặt hàng chuyên biệt trong 1 ngành hàng. Các cửa hàng này thường được vận hành bởi công ty sở hữu nhãn hàng đó.
Điểm đặc trưng của Concept Store là những cửa hàng này tập trung mạnh vào yếu tố trải nghiệm khách hàng, chính vì vậy họ sẽ trang trí, bày biện và tạo ra các trải nghiệm mới để tương tác với khách hàng. Ví dụ L’OCCITANE en Provence là một Concept Store với quy mô và số lượng nhãn hàng rất ít, các cửa hàng của họ được trưng bày bắt mắt, tạo trải nghiệm vô cùng thú vị.
9. Cửa hàng chuyên biệt (Speciality Store)
Cửa hàng chuyên biệt (Speciality Store) là loại hình cửa hàng bán lẻ giống Cửa hàng trải nghiệm (Concept Store) như với quy mô lớn hơn,, chuyên bán các hàng hóa chuyên biệt như đồ chơi, giày dép hay quần áo, nhắm vào đối tượng mục tiêu cụ thể (thị trường ngách), chẳng hạn như khách du lịch hay phụ nữ ngoại cỡ.
Quy mô của cửa hàng chuyên biệt cũng khác nhau. Một số cửa hàng chuyên biệt với quy mô rất lớn như Toys “R” Us, Foot Locker, và The Body Shop, trong khi đó một số cửa hàng chuyên biệt nhỏ hơn như Nutters of Savile Row. Những cửa hàng này thường cung cấp các sản phẩm rất chuyên về 1 lĩnh vực, được người tiêu dùng đánh giá cao. Giá cả không phải là yếu tố ưu tiên khi mua đồ tại các cửa hàng này, chủng loại, chất lượng sản phẩm và dịch vụ mới là yếu tố quan trọng.
Có thể nói, các cửa hàng chuyên biệt khá giống với siêu thị (Supermarket) và cửa hàng bách hóa (Department Store), chỉ khác ở chỗ, cửa hàng chuyên biệt không bán đa dạng các ngành hàng như hai loại hình kia.
10. Cửa hàng miễn phí (Give-away Shop)
Give-away Shop (hay còn được gọi là Freeshop, Free stores hoặc Swap Shop), đúng như tên gọi của nó, là những cửa hàng bán những sản phẩm hoàn toàn miễn phí. Loại hình cửa hàng bán lẻ này giống những cửa hàng từ thiện, chủ yếu bán các mặt hàng cũ. Đó có thể là sách, nội thất, quần áo hay đồ gia dụng, tất cả đều miễn phí, ngoại trừ một vài cửa hàng có chính sách “cho một, nhận một” (Swap Shop), nghĩa là khách hàng phải trao đổi 1 sản phẩm của bản thân để nhận lại một sản phẩm khác.
Một số mô hình cửa hàng miễn phí phổ biến bao gồm: Thứ nhất, hàng được phát miễn phí cho bất kỳ khách hàng nào; mô hình thứ hai như đã nói, là “cho một, nhận một”. Cuối cùng, người tiêu dùng có thể tùy ý lấy sản phẩm và trả một số tiền “tùy tâm”. Tại Việt Nam, hình thức cửa hàng này rất hiếm thấy.
11. Cửa hàng tạm thời (Pop-up Store)
Cửa hàng bán lẻ Pop-up hay Flash Retailing là một loại hình cửa hàng bán lẻ mở tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn, bày bán một số loại hàng hóa cụ thể trong những dịp đặc biệt. Điểm thu hút của loại hình của hàng Pop-up chính là tính mới lạ của sản phẩm bày bán.
Loại hình cửa hàng bán lẻ này bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 2010s, xuất hiện nhiều trong những dịp Halloween hay Giáng Sinh.
12. Cửa hàng ngách cao cấp (Boutique)
Cửa hàng ngách cao cấp (Boutique) là một cửa hàng nhỏ, chuyên cung cấp các mặt hàng và phụ kiện thời trang có chọn lọc, thậm chí là các mặt hàng xa xỉ độc lạ. Thuật ngữ “Boutique” trong bán lẻ và dịch vụ còn mang nghĩa rộng hơn khi xuất hiện các ngành hàng đi kèm thuật ngữ này, ví dụ như Boutique Hotels hay Boutique Beers (chẳng hạn Craft Beers).
Một số chuỗi cửa hàng (Chain Store) cũng có thể được coi là Boutique nếu họ nhắm mục tiêu tới những thị trường ngách nhỏ, cao cấp. Ví dụ cửa hàng Boutique có thể kế đến là cửa hàng của Hermes Boutique tại Causeway Bay (Hong Kong) hay cửa hàng Roberto Cavalli Boutique tại Via della Spiga, Milan (Ý).
13. Cửa hàng bách hóa (Department Store)
Cửa hàng bách hóa (Department Stores) là những cửa hàng rất lớn, cung cấp đa dạng các mặt hàng với giá cả vừa phải ở nhiều khu vực khác nhau của cửa hàng, mỗi khu vực (Department) chuyên về 1 loại sản phẩm. Các cửa hàng này thường chú trọng vào dịch vụ khách hàng.
Department Stores thường được phân loại thành Cửa hàng bách hóa truyền thống (Traditional Department Store) và Cửa hàng bách hóa giảm giá (Discount Department Store). Một số cửa hàng Traditional Department Store có thể kể đến như Macy’s hay Sears. Còn các cửa hàng Discount Department Store bao gồm Kohl’s hay Nordstrom Rack.
Cần lưu ý, có nhiều bài viết nhầm lẫn Department Stores với Hypermarkets, Supermarket và Shopping Mall:
- Department Stores (Cửa hàng bách hóa): Thường là một cửa hàng rất lớn trong Shopping Mall, phân chia thành nhiều khu vực, mỗi khu vực bán chuyên 1 loại sản phẩm. Cũng có khi Department Stores nằm riêng biệt, mở rộng thành 1 tòa nhà giống Shopping Mall, lớn hơn cả Supermarket. Ở Việt Nam, Department Stores điển hình có thể kể đến là Parkson (mở rộng giống một Shopping Mall).
- Supermarket (Siêu thị): Là một loại hình bán lẻ thường lớn hơn Department Stores (cũng có khi bé hơn Department Stores), cung cấp đa dạng đủ loại sản phẩm, đa dạng. Có thể coi đây là một cửa hàng tạp hóa lớn. Ở Việt Nam, Supermarket điển hình có thể kể đến là Vinmart.
- Hypermarkets (Đại siêu thị): Lớn hơn Supermarket, về cơ bản nó bao gồm cả Department Store và Supermarket. Ở đây thường tập trung bán hàng giả rẻ hơn Supermarket với khối lượng mặt hàng FMCG lớn hơn rất nhiều. Điểm khác biệt nữa so với Supermarket đó là Hypermarkets thường không trang trí lộng lẫy vào các dịp lễ lớn, mục tiêu chính của họ là bán các mặt hàng giảm giá chứ không cố thu hút khách, cầu kỳ về mặt hình ảnh như Supermarket. Ở Việt Nam, Hypermarkets điển hình có thể kể đến là BigC (đã được đổi tên thành Go).
- Shopping Mall (Trung tâm thương mại): Là một trung tâm mua sắm, có thể bao gồm 1 hoặc nhiều tòa nhà liền nhau, có thể chứa tất cả những loại hình cửa hàng như Department Stores, Supermarket hay Hypermarkets. Một số Shopping Mall tại Việt Nam nổi bật là Vincom Center, Saigon Square hay Parkson Plaza.
14. Siêu thị (Supermarket)
Siêu thị (Supermarket) là những cửa hàng người tiêu dùng tự lựa chọn sản phẩm cần mua và thanh toán tại quầy. Đây là một loại hình bán lẻ thường lớn hơn Department Stores (cũng có khi bé hơn Department Stores), cung cấp đa dạng đủ loại sản phẩm. Có thể coi đây là một cửa hàng tạp hóa lớn. Ở Việt Nam, các chuỗi siêu thị (Supermarket) điển hình có thể kể đến là Vinmart, Bách Hóa Xanh, v.v.
Siêu thị thường có diện tích khoảng 1,900m2 – 3,700m2, chuyên sử dụng chiến lược định giá Hi-Lo (định giá cao sản phẩm hơn mức bình thường với nhiều chương trình khuyến mãi để hạ giá xuống), hoặc chiến lược định giá thấp hàng ngày mà không cần đợi dịp khuyến mãi (EDLP/ Everyday Low Price).
Cần phân biệt siêu thị với đại siêu thị (Hypermarkets). Đại siêu thị thường tập trung bán hàng giả rẻ hơn siêu thị, với khối lượng mặt hàng FMCG lớn hơn rất nhiều. Điểm khác biệt nữa so với Supermarket đó là Hypermarkets thường không trang trí lộng lẫy vào các dịp lễ lớn, mục tiêu chính của họ là bán các mặt hàng giảm giá chứ không cố thu hút khách, cầu kỳ về mặt hình ảnh như Supermarket. Ở Việt Nam, Hypermarkets điển hình có thể kể đến là BigC (đã được đổi tên thành GO).
15. Đại siêu thị (Hypermarket)
Đại siêu thị (Hypermarket), hay còn được gọi là Hyperstore, Supercentre hoặc Superstore, là loại cửa hàng lớn (Big-box Store), thường kết hợp bởi một siêu thị (Supermarket) và một cửa hàng bách hóa (Department Store). Chi phí vận hành thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp so với các hình thức bán lẻ khác, một đại siêu thị được coi là “một điểm bán kết hợp giữa siêu thị và cửa hàng giảm giá, rộng ít nhất 19,000m2, bán các sản phẩm giá thấp.”
Như đã nói, đại siêu thị thường tập trung bán hàng giả rẻ hơn siêu thị (Supermarket) với khối lượng mặt hàng FMCG lớn hơn rất nhiều. Điểm khác biệt nữa so với Supermarket đó là Hypermarkets thường không trang trí lộng lẫy vào các dịp lễ lớn, mục tiêu chính của họ là bán các mặt hàng giảm giá chứ không cố thu hút khách, cầu kỳ về mặt hình ảnh như Supermarket. Ở Việt Nam, Hypermarkets điển hình có thể kể đến là BigC (đã được đổi tên thành GO).
16. Trung tâm thương mại (Shopping Mall)
Trung tâm thương mại (Shopping Mall hay đơn giản gọi là Mall) là nơi tập hợp những cửa hàng nằm trong một hoặc nhiều tòa nhà liền kề. Các cửa hàng chủ chốt (Anchor Store) trong trung tâm thương mại thường là những cửa hàng bách hóa (Department Store).
Cần lưu ý về thuật ngữ Shopping Mall và Shopping Center (hay Shopping Arcade). Tại Anh và các nước như Úc, v.v gọi Trung tâm thương mại là Shopping Center. Còn tại Mỹ, Ấn Độ, UAE, … họ gọi đây là Shopping Mall. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng cách gọi của Mỹ, nghĩa là Shopping Center (hay Shopping Arcade đã được nêu tại mục số 1) là tên gọi chung của các khu mua sắm với quy mô và loại hình khác nhau, Shopping Mall là một loại hình của Shopping Center.
Có 2 nhóm Trung tâm thương mại chính:
- Super-regional Mall: Là một Shopping Mall có tổng diện tích cho mặt sàn trên 74,000m2, có trên 3 cửa hàng chủ chốt (Anchor Store), thường được coi là địa điểm mua sắm chủ chốt của một khu vực có bán kính rộng 40km. Riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các Shopping Mall có diện tích cho thuê (chỉ tính diện tích mặt sàn các cửa hàng cho thuê) trên 74,000m2 được gọi là Mega-mall.
- Regional Mall: Là một Shopping Mall có tổng diện tích mặt sàn từ 37,000m2 – 74,000m2, có ít nhất 2 cửa hàng chủ chốt (Anchor Store).
Tại Việt Nam, các Trung tâm thương mại nổi bật có thể kể đến như Takashimaya, Crescent Mall, SC Vivo, Vincom, v.v
17. Cửa hàng tiện lợi (Convenience Store)
Cửa hàng tiện lợi (Convenience Store/ CVS), còn được gọi là Convenience Shop, Corner Store, hay Corner Shop, là một cửa hàng cung cấp số lượng sản phẩm giới hạn với mức giá cao hơn bình thường. Cửa hàng này là nơi dành cho những hành vi mua hàng khẩn cấp, đòi hỏi ngay lập tức và thường hoạt động xuyên suốt 24/24 giờ. Một số chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi bật tại Việt Nam có thể kể đến FamilyMart, 7-Eleven hay Circle K.
18. Siêu thị Mini (Minimart)
Siêu thị Mini (Minimart), là một biến thể lai của cửa hàng tiện lợi (Convenience Store) và siêu thị (Supermarket). Nhiều nơi xếp Minimart vào chung nhóm với cửa hàng tiện lợi.
Siêu thị Mini thường lớn hơn Convenience Store nhưng bé hơn Supermarket; các mặt hàng bán trong Siêu thị Mini cũng đa dạng hơn Convenience Store nhưng vẫn ít hơn Supermarket. Hình thức cửa hàng này nổi lên mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian gần đây với sự xuất hiện của hàng loại chuỗi Minimart như Vinmart+, Satra Foods, v.v.
19. Cửa hàng bán rong (Hawkers)
Cửa hàng bán rong (Hawkers), còn được gọi là Peddlers, Costermongers hay Street Vendors, là những cửa hàng “di động” thường chỉ có 1 hoặc 1 vài người bán. Những người bán hàng rong thường bán hàng ở nơi công cộng như đường phố, quảng trường, công viên, v.v.
Những cửa hàng bán rong là loại hình cửa hàng phổ biến tại châu Á, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
20. Đại lý tổng hợp (General Store)
Đại lý tổng hợp (General Store hay còn được gọi là General Merchant Store, General Merchandise Store, General Dealer hoặc Village Shop) là những cửa hàng cung cấp các sản phẩm thiết yếu trong địa phương, thường nằm ở những vùng hẻo lánh hay nông thôn, nơi có mật độ dân số thấp.
Ở những nơi có mật độ dân số thấp như vậy, một đại lý tổng hợp có thể là điểm bán lẻ duy nhất trong phạm vi cả chục km. Những cửa hàng này bán rất nhiều loại sản phẩm, từ thực phẩm, dược phẩm cho đến các sản phẩm giá trị cao. Ngoài ra, General Store còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu như dịch vụ bưu chính, dịch vụ ngân hàng.
Tại Việt Nam, những đại lý kiểu này xuất hiện khá phổ biến tại khu vực ngoại thành. Đó là những đại lý thường nằm ở mặt tiền đường, bán các loại sản phẩm tiêu dùng là chủ yếu.
21. Cửa hàng nhỏ lẻ (Mom-and-pop Store)
Cửa hàng Mom-and-pop hay cửa hàng nhỏ lẻ là cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ do một cá nhân hoặc hộ gia đình sở hữu, điều hành. Loại hình cửa hàng này thường tập trung bán những loại sản phẩm hạn chế và có chọn lọc.
Những cửa hàng nhỏ lẻ rất phổ biến tại Việt Nam. Đây là kênh bán hàng truyền thống phủ rộng khắp mọi nơi trên đất nước, cả ở thành thị và nông thôn.
22. Cửa hàng hỗn tạp (Variety Store)
Cửa hàng hỗn tạp (Variety Store), hay còn được gọi là Five and Dime, Pound Shop, hoặc Dollar Store, là những cửa hàng bán hàng hóa tổng hợp như quần áo, phụ tùng, đồ chơi, v.v với giá chiết khấu, thậm chí trong một số thời điểm còn bán với mức giá 0.99 USD hay 1 USD. Nhược điểm của các cửa hàng hỗn tạp là chất lượng không cao.
Cần lưu ý, các loại hình cửa hàng lớn hơn như Đại siêu thị (Hypermarket, cũng bán các mặt hàng giá rẻ, ví dụ Target và Walmart), Câu lạc bộ bán buôn (Warehouse Club, cũng bán số lượng lớn các mặt hàng giá rẻ, ví dụ Costco) hay Cửa hàng bách hóa (Department Stores); tất cả những loại hình cửa hàng trên đều không được coi là Variety Store.
23. Chợ (Marketplace)
Chợ (Market hay Marketplace) là địa điểm bán lẻ tất cả các loại sản phẩm, được bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Thực tế, chợ thường bán những sản phẩm tươi sống như trái cây, rau, thịt, cá và gia cầm, nhưng cũng bán kèm các mặt hàng khác như các sản phẩm chăm sóc nhà cửa.
Tại Việt Nam, các khu chợ thường tập hợp đông đủ các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt ở nhiều nơi, những cửa hàng Mom-and-pop thường xuất hiện ngay trong chợ. Những cửa hàng này vây quay khu chợ, tận dụng khoảng không gian phía sau cửa hàng để tiếp cận khách trong chợ.
24. Chợ trời (Market Square)
Chợ trời (Market Square) là khu chợ mở ngoài trời với tính chất tự phát, nơi mọi người đến để bán hoặc trao đổi hàng hóa. Chợ trời thường không có các gian hàng cố định mà hàng hóa thường được bày trên bàn, trải dưới đất, treo trên giá ở ngoài trời.
Hàng tại chợ trời thường rẻ và có chất lượng đa dạng, thường là đồ cũ, đồ cổ, hoặc hàng mới nhưng rẻ tiền. Một số chợ trời còn là nơi bán phim/ đĩa nhạc lậu, hàng nhái đủ loại từ quần áo, giày dép, túi xách, nước hoa, v.v.. Một số chợ còn tổ chức các hoạt động hội hè, âm nhạc để thu hút khách đến chợ.
Tại nhiều nước phương Tây, chợ trời chỉ mở vào thứ bảy, đi chợ trời là một trong các thú tiêu khiển ngày cuối tuần tại những nước này.
25. Câu lạc bộ bán buôn (Warehouse Club)
Câu lạc bộ bán buôn (Warehouse Club) là những cửa hàng bán lẻ dành riêng cho các thành viên đăng ký làm hội viên của cửa hàng. Các hội viên này có thể mua hàng số lượng lớn (bán buôn) để nhận được mức giá trên mỗi sản phẩm rẻ. Chính vì vậy, loại hình cửa hàng này rất thu hút những người chủ doanh nghiệp nhỏ hay những shopper săn hàng giá tốt (Bargain Hunters). Sam’s Club của Walmart là một chuỗi Warehouse Club điển hình.
26. Cửa hàng kho giá rẻ (Warehouse Store)
Cửa hàng kho giá rẻ (Warehouse Store) là những cửa hàng hướng tới việc giảm giá sâu hơn những siêu thị truyền thống. Các cửa hàng kho giá rẻ thường không rườm rà trang trí đẹp đẽ như siêu thị. Các kệ hàng tại đây cũng bày trí đơn giản với số lượng lớn. Điểm khác biệt của Warehouse Store và Warehouse Club đó là, cửa hàng kho giá rẻ không yêu cầu người mua là hội viên và cũng không thu phí hội viên hàng năm như câu lạc bộ bán buôn. Chuỗi cửa hàng Kroger là một ví dụ điển hình cho các cửa hàng kho giá rẻ (Warehouse Store).
27. Máy bán hàng tự động (Vending Machine)
Máy bán hàng tự động (Vending Machine) là một loại hình bán lẻ sử dụng thiết bị tự động để bán hàng, trong đó, khách hàng có thể bỏ tiền vào máy bán hàng để mua hàng một cách tự động. Loại hình bán lẻ này thường chỉ bán những mặt hàng thực phẩm tiêu dùng nhanh như nước giải khát, snack hay đồ ăn nhẹ.
28. Cửa hàng điện tử (E-tailer)
Cửa hàng điện tử (E-tailer) là loại hình cửa hàng mua sắm trực tuyến (Online Shopping hay E-Commerce), nơi khách hàng có thể mua sắm và đặt hàng thông qua Internet, hàng hóa sẽ được giao tận nhà thông qua dịch vụ vận chuyển. Hình thức bán lẻ này phù hợp cho những khách hàng không muốn đến mua trực tiếp hàng hóa tại cửa hàng.
29. Cửa hàng đồ cũ (Second-hand Shop)
Cửa hàng đồ cũ (Second-hand Shop) là những cửa hàng bán đồ cũ, thường là ngành hàng thời trang hoặc sách báo. Các cửa hàng này khá phổ biến tại Việt Nam, chủ yếu bán quần áo, giày dép. Một số trang Web thương mại điện tử cũng chuyên về bán đồ cũ, điển hình nhất là eBay.
30. Cửa hàng dẫn đầu (Flagship Store)
Cửa hàng dẫn đầu (Flagship Store) là cửa hàng hàng đầu đại diện cho một thương hiệu tại khu vực/ quốc gia mà thương hiệu đó đang hoạt động. Vì nắm vai trò đại diện thương hiệu nên Flagship Store đứng đầu trong chuỗi các cửa hàng bán lẻ, được đầu tư quy mô và chuẩn chỉnh nhất nhằm quảng bá thương hiệu, thu hút khách hàng và mục tiêu cuối cùng vẫn là bán hàng gia tăng doanh số.
Các Flagship Store mang sứ mệnh phát triển thương hiệu, không chỉ to nhất, đẹp nhất mà còn tràn ngập những dấu ấn của một thương hiệu thời trang. Tuỳ vào từng thời điểm và mục đích kinh doanh mà Flagship được điều chỉnh và đem đến những chính sách đặc biệt dành cho khách hàng quan tâm đến thương hiệu.
Tại các trung tâm thành phố lớn của mỗi quốc gia đều có ít nhất 1 Flagship Store cửa một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Gucci, Burberry, v.v.
Xem thêm: Kênh bán hàng, Shopper và Brand là 3 đối tượng chính liên quan đến Trade Marketing
Đến đây, bạn đã có thể phân biệt được sự khác nhau giữa Bách Hóa Xanh, Vinmart, Vinmart+, Lotte Mart, Circle K, v.v. cùng hàng chục loại hình cửa hàng bán lẻ khác. Việc phân biệt được 30 loại hình cửa hàng bán lẻ trong Trade Marketing sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thấu hiểu các kênh bán hàng cả truyền thống lẫn hiện đại.
Brade Mar