Phân tích Chiến lược Marketing của Toyota, cụ thể là chiến lược Marketing Mix của Toyota liên quan đến 4Ps (Sản phẩm, Giá cả, Phân phối và Chiêu thị) của thương hiệu đến từ Toyota Motor Corporation.
Mục lục
1. Tổng quan về Chiến lược Marketing của Toyota
Toyota Motor Corporation (thường được gọi đơn giản là Toyota), là một công ty sản xuất ô tô đa quốc gia của Nhật Bản, có trụ sở chính tại Aichi, Nhật Bản. Công ty được thành lập bởi Kiichiro Toyoda vào ngày 28/08/1937. Toyota là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, sản xuất khoảng 10 triệu xe mỗi năm.
Toyota Motor ban đầu là một bộ phận của Toyota Industries – một công ty sản xuất máy móc do Sakichi Toyoda (cha của Kiichiro Toyoda) sáng lập. Hiện tại, cả 2 công ty đều thuộc Toyota Group, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Khi vẫn còn là một bộ phận của Toyota Industries, công ty đã phát triển sản phẩm đầu tiên của mình – động cơ Type A vào năm 1934 và ra mắt chiếc xe du lịch đầu tiên – Toyota AA vào năm 1936.
Sau Thế chiến thứ Hai, Toyota được hưởng lợi từ Liên minh của Nhật Bản với Hoa Kỳ, cho phép Nhật Bản học hỏi công nghệ từ các nhà sản xuất ô tô của Hoa Kỳ. Điều này đã tạo ra The Toyota Way (một triết lý quản trị) và Toyota Production System (một phương pháp sản xuất tinh gọn), giúp biến một công ty nhỏ trở thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành.
Vào những năm 1960, Toyota đã tận dụng lợi thế của nền kinh tế Nhật đang phát triển nhanh chóng nhằm bán ô tô cho tầng lớp trung lưu (tầng lớp gia tăng nhanh chóng thời điểm đó). Điều này dẫn đến việc phát triển Toyota Corolla, một trong những chiếc xe bán chạy nhất mọi thời đại trên thế giới. Nền kinh tế phát triển cho phép Toyota mở rộng ra thị trường quốc tế, trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Toyota cũng là công ty lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 9 thế giới tính theo doanh thu năm 2020.
Toyota được biết đến như công ty dẫn đầu trong việc phát triển các loại xe lai điện tiết kiệm nhiên liệu, bắt đầu bằng việc giới thiệu Toyota Prius vào năm 1997. Hiện công ty đã bán hơn 40 mẫu xe lai điện (Hybrid) trên khắp thế giới.
Toyota Motor Corporation sản xuất xe dưới 5 thương hiệu: Daihatsu, Hino, Lexus, Ranz và Toyota. Công ty cũng nắm giữ 20% cổ phần của Subaru Corporation, 5.1% cổ phần Mazda, 4.9% cổ phần Suzuki, 4.6% cổ phần Isuzu, 3.8% cổ phần Yamaha Motor Corporation, và 2.8% cổ phần Panasonic.
Xem chi tiết: Tìm hiểu về Toyota Motor Corporation
2. Chiến lược sản phẩm của Toyota
Tính đến năm 2009, Toyota Motor Corporation ra mắt khoảng 70 mẫu xe được bán dưới thương hiệu Toyota, bao gồm các loại xe Sedan, Coupe, Van, Trucks, Hybrid, và Crossover.
SUV và Crossover
Dòng xe SUV và Crossover của Toyota đã tăng trưởng nhanh chóng vào cuối những năm 2010 đến hiện tại do sự chuyển dịch của thị trưởng sang xe SUV. Các loại xe Crossover của Toyota có nhiều loại, từ những chiếc Crossover nhỏ gọn như Yaris Cross hay CH-R đến những chiếc xe lớn hơn như Harrier/Venza và Kluger/Highlander. Các loại xe SUV của Toyota có nhiều loại, từ kích thước tầm trung như Fortuner đến kích thước lớn như Land Cruiser.
Xe bán tải
Toyota lần đầu gia nhập thị trường xe bán tải vào năm 1947 với chiếc SB bán riêng tại Nhật Bản và một số thị trường châu Á. Tiếp đến vào năm 1954 là chiếc RK (về sau đổi tên thành Stout vào năm 1959), sau đó là chiếc Hilux nhỏ gọn vào năm 1968. Bằng việc cải tiến liên tục, chiếc Hilux (hay còn được gọi là Pickup ở một số thị trường), đã trở nên nổi tiếng vì sự bền bỉ cũng như uy tín của nó.
Tại Bắc Mỹ, Hilux đã trở thành một mẫu xe điển hình của Toyota, dẫn đến việc công ty ra mắt chiếc Tacoma vào năm 1995. Tacoma được thiết kế dựa trên Hilux nhưng phù hợp hơn với người dùng Bắc Mỹ – những người thường dùng xe bán tải làm phương tiện cá nhân. Thiết kế này giúp Tacoma trở thành một trong những chiếc bán tải hạng nhỏ bán chạy nhất Bắc Mỹ.
Sau thành công của dòng bán tải nhỏ gọn Hilux, Toyota quyết định gia nhập thị trường bán tải cỡ lớn – vốn bị thống trị bởi các hãng ô tô trong nước. Công ty đã ra mắt chiếc T100 cho mẫu năm 1993 tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, doanh số bán hàng lại đáng thất vọng và bị nhiều chỉ trích. Năm 1995, Toyota bổ sung động cơ V6 mạnh mẽ hơn từ Tacoma vào T100, sau đó là hàng loạt các tải tiến khác.
Xe bus
Toyota Coaster là chiếc xe buýt nhỏ được giới thiệu vào năm 1969, có sức chứa 17 hành khách. Coaster được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và Úc, cũng như ở các nước đang phát triển ở khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á hay Nam Mỹ như một phương tiện giao thông công cộng.
Xe hạng sang
Tại thị trường quê nhà Nhật Bản, Toyota đã có hai mẫu xe chủ lực là dòng Sedan cao cấp Crown và chiếc limousine Century.
Trong những năm 1980, Toyota muốn mở rộng việc sản xuất xe hạng sang nhưng nhận ra rằng các mẫu xe như Crown hay Century hiện tại không thể cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời như Mercedes-Benz, BMW, Jaguar, Acura hay Infiniti.
Trước khi thập kỷ 1980s kết thúc, Toyota đã giới thiệu Lexus, một bộ phận mới được thành lập để nhắm tới phân khúc xe hạng sang tại thị trường bên ngoài Nhật Bản. Công ty đã phát triển thương hiệu này một cách lặng lẽ từ tháng 08/1983 với chi phí hơn 1 tỷ USD. Chiếc Sedan cỡ lớn Lexus LS ra mắt lần đầu vào năm 1989 với doanh số khả quan, làm tiền đề quan trọng cho việc ra mắt thương hiệu Lexus. Sau đó, Lexus đã bổ sung thêm các mẫu xe Sedan, Coupe, mui trần và SUV.
Thương hiệu Lexus chính thức được giới thiệu tại thị trường Nhật Bản vào năm 2005. Trước đó, tất cả các mẫu xe Lexus ra mắt tại thị trường nước ngoài đều được bán tại Nhật Bản dưới thương hiệu Toyota.
3. Chiến lược giá của Toyota
Toyota trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai trên thế giới nhờ thiết kế sáng tạo và đầu tư mạnh vào các hoạt động quảng cáo để lôi kéo người tiêu dùng tại nhiều châu lục. Toyota cung cấp những chiếc xe chất lượng cao với giá cả vừa phải.
Giá bán của một sản phẩm thường được xác định bởi chi phí và lợi nhuận thu được. Bất kỳ sự gia tăng nhẹ nào trong chi phí sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng về giá bán. Tuy nhiên, Toyota có một cách tiếp cận giá hoàn toàn khác. Công thức vẫn giống nhau, nhưng Toyota thay vì tính giá bán, Toyota tính toán lợi nhuận trước. Công ty tin rằng cơ chế thị trường và người tiêu dùng quyết định giá bán.
Toyota cũng dành nhiều nỗ lực để nâng cấp sản phẩm. Điều này dẫn đến sự gia tăng lợi nhuận theo thời gian do giá cả tốt, chất lượng cao và xe giá rẻ. Theo một báo cáo năm 2017, doanh số bán hàng của Toyota là 10,386,000 xe trên toàn thế giới. Những chiếc xe có nhiều mức giá, từ 18.990 USD và lên đến 80.000 USD dựa trên mẫu mã, các bộ phận bổ sung và chi phí sản xuất.
Toyota sử dụng chi phí thấp và khác biệt hóa để đạt được lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô. So với các đối thủ cạnh tranh, nhiều người tiêu dùng có thể thấy các sản phẩm của Toyota có chất lượng, mẫu mã và công nghệ tốt hơn.
4. Chiến lược phân phối của Toyota
Các đại lý bán hàng là kênh phân phối sản phẩm chính trong Chiến lược Marketing của Toyota, vì vậy những đại lý này rất quan trọng để xác định địa điểm mà người tiêu dùng có thể xem và trải nghiệm sản phẩm. Toyota luôn cố gắng đặt khách hàng lên hàng đầu và biết tầm quan trọng của cách đối tượng mục tiêu có thể tiếp cận ô tô. Các nhân viên bán hàng tại mỗi đại lý thường làm việc trong các nhóm gồm bảy hoặc tám thành viên.
Tất cả các nhân viên đều có chuyên môn cao không chỉ trong bán hàng mà còn cả việc nắm bắt thông tin sản phẩm, nhận đơn đặt hàng, thu thập dữ liệu và bảo hiểm tài chính. Toyota tập trung vào chiến lược kéo và làm cho những chiếc xe phù hợp với nhu cầu của đa dạng khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng có các đại diện bán hàng đi từ đại lý này sang đại lý khác tại Nhật Bản để quảng bá ô tô của công ty.
Một đại lý điển hình của Toyota sẽ cố gắng giảm thiểu chi phí chuỗi cung ứng và giữ mức độ dịch vụ tốt cùng với các sản phẩm chất lượng cao. Toyota tổ chức các nhà cung cấp thành các cấp độ khác nhau. Cấp độ đầu tiên của các nhà cung cấp có thể làm việc với một nhóm phát triển sản phẩm. Các nhà cung cấp cấp hai chịu trách nhiệm sản xuất các bộ phận riêng lẻ. Điều này cho phép chia sẻ chéo lực lượng lao động vì Toyota có thể cử nhân viên đến các nhà cung cấp trong trường hợp công việc quá tải.
5. Chiến lược chiêu thị của Toyota
Năm 1936, Toyota gia nhập thị trường xe du lịch với mẫu Model AA và tổ chức một cuộc thi để ra mắt Logo mới, chú trọng vào tốc độ cho sản phẩm mới. Sau khi nhận được 27,000 bài dự thi, một bài duy nhất được chọn, dẫn đến việc thay thế tên thương hiệu từ “Toyoda” thành “Toyota”. Cái tên mới được cho là hay hơn.
Toyota đã giới thiệu một Logo trên toàn thế giới vào tháng 10/1989 để kỷ niệm 50 năm thành lập công ty, phân biệt nó với thương hiệu xe sang Lexus. Logo mới bao gồm 3 hình bầu dục kết hợp với nhau để tạo thành chữ “T”, viết tắt của Toyota.
Công ty nói rằng sự chồng chéo của 2 hình bầu dục vuông góc bên trong 1 hình bầu dục lớn thể hiện mối quan hệ cùng có lợi và sự tin tưởng giữa khách hàng – công ty. Riêng hình bầu dục lớn nhất bao quanh 2 hình bầu dục nhỏ thể hiện “sự mở rộng toàn cầu của công nghệ Toyota và tiềm năng không giới hạn cho tương lai”. Logo mới này bắt đầu xuất hiện trên các tài liệu in ấn, quảng cáo, biển hiệu đại lý và hầu hết các phương tiện của hãng vào năm 1990.
Toyota sử dụng nhiều chiến lược khuyến mại khác nhau để tăng doanh số bán hàng. Công ty quảng cáo thông qua các bảng quảng cáo, đài phát thanh, báo chí, tờ rơi, truyền hình, Internet, trang vàng, truyền miệng và tài liệu quảng cáo. Những khẩu hiệu hấp dẫn thường được sử dụng để thu hút sự chú ý đến thương hiệu.
Toyota sử dụng lực lượng bán hàng cá nhân cho các đại lý để đích thân quảng bá sản phẩm Toyota đến khách hàng tiềm năng. Mối quan hệ công chúng tốt đẹp và sự cống hiến cho các giải pháp thân thiện với môi trường đã xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực cho Toyota.
Mặt khác, các ưu đãi đặc biệt được cung cấp cho khách hàng với chương trình khuyến mãi bán hàng không thường xuyên. Ngoài ra, đôi khi Toyota sử dụng bán hàng trực tiếp để cung cấp các giao dịch tốt hơn cho khách hàng doanh nghiệp. Thông qua chiến lược khuyến mại linh hoạt, Toyota có một cách toàn diện để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình.
Xem thêm: Chiến lược Marketing của Doji
Brade Mar (Tổng hợp)