Phân tích mô hình SWOT của PNJ, một trong những tập đoàn vàng bạc, trang sức lớn nhất Việt Nam. Bài viết này sẽ phân tích Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) của PNJ.
Mục lục
1. Tổng quan về phân tích mô hình SWOT của PNJ
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Phu Nhuan Jewelry Joint Stock Company – PNJ) là công ty cổ phần Việt Nam. Công ty này chuyên sản xuất kinh doanh trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, quà tặng doanh nghiệp, phụ kiện thời trang, quà lưu niệm, đồng hồ, mua bán vàng miếng, cung cấp dịch vụ kiểm định kim cương, đá quý, kim loại quý, và kinh doanh bất động sản. Năm 2010, PNJ được Plimsoll xếp thứ 16 trong top 500 công ty nữ trang lớn nhất thế giới.
Bạn đã biết tổng quan về PNJ. Sau đây, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích mô hình SWOT của PNJ.
Xem thêm: Chiến lược Marketing của PNJ
2. Strengths (Điểm mạnh) của PNJ
Phân tích mô hình SWOT của PNJ bắt đầu bằng Strengths (Điểm mạnh) của PNJ.
Công nghệ và kỹ thuật cao trong chế tác trang sức:
- Trong khuôn khổ giải thưởng dành cho ngành trang sức thế giới Jewellery World Awards 2021 – JWA được tổ chức tại Dubai năm 2021, PNJ đã xuất sắc vượt qua hàng trăm doanh nghiệp lớn đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ để chiến thắng giải thưởng Nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc nhất của năm. Đến thời điểm hiện tại, PNJ là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nhận được giải thưởng danh giá này.
- JWA là giải thưởng uy tín bậc nhất của ngành kim hoàn thế giới, được tổ chức nhằm tôn vinh những doanh nghiệp, cá nhân hoạt động một cách xuất sắc và gặt hái được nhiều thành tựu vượt qua phạm vi lãnh thổ quốc gia, cũng như khu vực, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trang sức. BGK của giải thưởng là những chuyên gia có uy tín hàng đầu, có tầm ảnh hưởng, đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường kim hoàn, trang sức, thời trang tại các khu vực, cũng như của hội đồng vàng thế giới.
- Giải thưởng Nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc nhất của năm 2021 được bình chọn dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe bao gồm trình độ chế tác, qui mô sản xuất, năng lực cung ứng và năng lực ứng phó hữu hiệu khi đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19 để khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Kết quả đạt được sau quá trình thẩm định, đánh giá, chọn lọc từ hàng trăm thương hiệu, công ty trang sức uy tín, nổi tiếng nhất tại Châu Á và nhiều khu vực trên thế giới.
- Hiện tại, PNJ đang sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại và không ngừng được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ chuyên gia thiết kế, sáng tạo gần 100 thành viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trong và ngoài nước; lực lượng nghệ nhân, thợ kim hoàn lành nghề hơn 1.000 người, cùng với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật dày dạn kinh nghiệm và gắn bó lâu năm trong ngành trên các lĩnh vực đá quý, kim loại quý và kỹ thuật chế tác.
- Hằng năm, PNJ tung ra thị trường hơn 4 triệu sản phẩm, trong đó nhiều tuyệt tác trang sức ra đời đã định danh trình độ chế tác trang sức đỉnh cao của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những dòng sản phẩm PNJ đa phong cách, đa chất liệu không chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ mà còn góp phần thể hiện cái tôi cá tính, khác biệt nên được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Cùng với đội ngũ phân tích tâm lý, hành vi khách hàng, PNJ luôn đón đầu xu hướng, liên tục tung ra những mẫu thiết kế mới nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Đồng thời, PNJ cũng đã đưa nhà máy thứ 2 tai Long An đi vào hoạt động, “chia lửa” cho nhà máy tại TP.HCM, nhằm hướng đến dòng sản phẩm cao cấp với hàm lượng công nghệ cao, giảm thiểu sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Năng lực sản xuất, cung ứng và sự tự chủ được chuỗi cung ứng của PNJ đã trở thành một lợi thế rất lớn, giúp PNJ vượt qua những chướng ngại do đại dịch gây ra, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng, trước bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.
- Đây chính là nền tảng quan trọng để PNJ liên tục thiết lập các mốc son lịch sử cho ngành kim hoàn Việt Nam khi chính thức được vinh danh là Nhà bán lẻ xuất sắc nhất ngành kim hoàn châu Á vào năm 2019, và trở thành Doanh nghiệp xuất sắc nhất Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020.
Kinh nghiệm trong ngành kim hoàn:
- 10 năm trước, PNJ chỉ dám ước mơ về vị trí số một tại Việt Nam. Rồi sau đó, PNJ vươn lên nhóm hàng đầu châu Á và vươn tầm thế giới.
- Năm 2018, PNJ đánh dấu mốc son 30 năm với Fashion Show trang sức lớn nhất Việt Nam, lập bộ huy chương Niềm tin vàng tặng đội tuyển U23 Việt Nam, 3 lần liên tiếp lọt Top 10 trong 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô cùng nhiều giải thưởng khác.
- Năm 2019, chính thức mở ra giai đoạn phát triển mới khi trở thành nhà bán lẻ số 1 ngành kim hoàn Châu Á và bắt tay “ông lớn” Walt Disney mở ra cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế.
- PNJ tiếp tục khẳng định uy tín của mình với sự kiện thiết kế chế tác tranh trao tặng Chủ tịch Triều Tiên với nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.
- Năm 2020, PNJ trở thành Doanh nghiệp xuất sắc nhất ngành kim hoàn Châu Á – Thái Bình Dương và được Forbes Việt Nam định giá 93,1 triệu USD, tăng 18% so với kỳ đánh giá 2019.
- Bên cạnh đó cùng những hành động kịp thời và hiệu quả trong tiến trình F5-Refresh của PNJ cũng đã được Talentnet đánh giá cao và vinh danh Chính sách nhân sự ứng biến Covid xuất sắc. Ngoài ra, nhãn hiệu mới STYLE By PNJ đã được ra đời vào năm này.
- Năm 2021, nối tiếp trên con đường trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp và mở đầu chiến lược phân phối đa thương hiệu với sự hợp tác cùng Pandora. Sự tích hợp thương hiệu quốc tế trên toàn hệ thống giúp PNJ khai thác thêm tập khách hàng tiềm năng, ưa chuộng sản phẩm đẳng cấp quốc tế, đồng thời kích thích trải nghiệm các dòng sản phẩm trong hệ sinh thái thương hiệu PNJ.
- Đồng thời, năm 2021 cũng đánh dấu nhiều thành công của PNJ trên con đường hoàn thiện hệ thống bán hàng đa kênh và tiến nhanh vào thị trường số hóa trên cơ sở phân tích tâm lý, hành vi tiêu dùng của cư dân số hóa.
Thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng tin tưởng:
- Logo được lấy ý tưởng từ kim cương, loại đá quý nhất trong các loại đá quý, biểu trưng cho sự trường tồn và minh bạch.
- Biểu tượng logo của PNJ thể hiện rõ nét rằng các lĩnh vực hoạt động của công ty rất đa dạng nhưng đều dựa trên nền tảng là những giá trị cốt lõi đã được xây dựng và không ngừng được củng cố.
- 5 tia sáng của biểu tượng rất đơn giản, mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại, uyển chuyển, đặc trưng cho ngành chế tác kim hoàn vốn là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. 5 tia sáng đó tượng trưng cho 5 nguyên tố ngũ hành, thể hiện sự vận động và phát triển không ngừng của PNJ.
- PNJ là chữ viết tắt của tên doanh nghiệp, một tài sản vô giá được xây dựng và phát triển trong suốt hơn 30 năm qua.
- Theo đánh giá của Forbes Việt Nam, giá trị thương hiệu của PNJ trong năm 2020 đạt 94,1 triệu USD, tăng 15,5 triệu USD so với kỳ đánh giá 2019, thăng 3 hạng lên vị trí 21 và tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong ngành hàng tiêu dùng cá nhân. PNJ cũng là thương hiệu trang sức duy nhất tại Việt Nam góp mặt trên bảng xếp hạng.
Chiến lược Marketing sáng tạo:
- Truyền thông quảng cáo được xem là một thế mạnh trong Chiến lược Marketing của PNJ. Thương hiệu PNJ đã tập trung vào những chiến dịch lớn đánh thẳng vào sự hiểu biết sâu sắc của khách hàng trên thị trường. Có thể thấy, PNJ đã rất khéo léo và tinh tế khi đã nghiên cứu tâm lý khách hàng. PNJ mang lại những kết quả lớn với các chiến dịch “Hạnh phúc vàng”, “Món quà vô giá”,… đã tạo ra nhiều trận thắng lớn trong ngành trang sức làm cho đối thủ phải học hỏi.
- Các câu chuyện đều theo hướng tích cực, tràn đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Mỗi một câu chuyện nhỏ luôn luôn sẽ truyền tải nội dung. Thu hút nhiều khách hàng quan tâm và truy cập đến. Công cụ truyền thông đã giúp PNJ thêm gần gũi với khách hàng yêu trang sức. Với chiến dịch “Món quà vô giá”, PNJ đã nhận được nhiều sự đồng thuận từ người xem.
- Các bàn luận về câu chuyện trong đoạn video vô cùng sôi nổi và người xem hoàn toàn có thể truy cập vào microsite của PNJ để nhận voucher giảm giá. Microsite của PNJ đã thu hút được 22.595 lượt tham gia. Tổng số lượt xem của video lên đến 2.596.525 và 18.533 lượt chia sẻ. Các Digital Media, Social Media là những công cụ PNJ tiếp cận khách hàng hiệu quả.
Cửa hàng, đại lý rộng rãi cho công tác phân phối, giới thiệu sản phẩm:
- Các cửa hàng của PNJ tập trung ở những thành phố lớn, nơi mà những người dân có mức thu nhập trung bình khá. Thị phần và các kênh phân phối của PNJ tăng trưởng đều theo từng năm cho nên PNJ đánh chủ yếu vào các kênh phân phối để tạo sức ảnh hưởng vì kênh phân phối sẽ trở thành công cụ hoàn hảo để gắn kết giữa công ty với khách hàng.
- Nhờ PNJ thuộc trong top đầu của ngành trang sức vào những thập niên trước nên sẽ có lợi thế với sự dày dặn kinh nghiệm của PNJ thì họ đã liên tục mở rộng thị trường khiến các đối thủ khác cũng phải e ngại khi đối đầu trực tiếp với “nữ hoàng” PNJ. Ngay cả Bảo Tín Minh Châu, đối thủ cùng ngành của PNJ mạnh ở Hà Nội cũng đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn mở rộng thị trường.
- Xét về số lượng cửa hàng trang sức thì PNJ đang xếp thứ 1 với 294 cửa hàng trên khắp cả nước (PNJ Gold, PNJ Silver, CAO, PNJ Art) tính đến cuối tháng 6/2020. Chiến lược Marketing của PNJ cũng lên kế hoạch mở mới 16 cửa hàng trong nửa cuối năm 2020 (phần lớn là các cửa hàng độc lập tại các thành phố loại 2 và 3).
- PNJ hiện đang có 4 tổng kho tại Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội với mức độ an ninh nghiêm ngặt do đặc thù hàng hóa lưu kho có giá trị cao. Để vận chuyển đến các chi nhánh ở xa như Đà Nẵng, Hà Nội, PNJ có chuyên viên vận tải chuyên biệt qua đường hàng không và xe Ô tô chuyên dụng với sự có mặt của cơ quan chức năng. Hoạt động phân phối của PNJ trên quy mô cả nước được thực hiện định kỳ theo tuần.
- Tính đến cuối tháng 1/2021 PNJ có 339 cửa hàng trên toàn quốc trong đó có 301 cửa hàng (CH) PNJ Gold, 32 CH PNJ Silver, 3 CH CAO Fine Jewelry và 3 CH PNJ Art. Ngoài ra còn có 66 cửa hàng PNJ Watch theo mô hình shop-in-shop tức là cửa hàng vàng sẽ bán thêm các sản phẩm đồng hồ (không bao gồm đồng hồ thông minh).
- Các cửa hàng của PNJ đang được chia thành 3 nhóm chính: Cửa hàng cấp 1 (Tổng chi phí đầu tư và hàng tồn kho khoảng 12 – 14 tỷ đồng); Cửa hàng cấp 2 (Tổng chi phí đầu tư và hàng tồn kho khoảng 8 tỷ đồng); Cửa hàng cấp 3 (Tổng chi phí đầu tư và hàng tồn kho khoảng 6 tỷ đồng).
- Toàn bộ việc quản lý hàng tồn kho và hoạt động bán hàng trực tiếp được thực hiện trên hệ thống phần mềm SAP 4HANA, phân hệ quản lý hàng tồn kho và bán hàng. Nhờ đó Ban lãnh đạo và các phòng ban liên quan của PNJ có thể ngay lập tức truy xuất dữ liệu, kết quả kinh doanh của từng cửa hàng theo thời gian thực (Real-time) và tăng đáng kể hiệu quả quản lý cũng như kiểm soát rủi ro.
- Ngoài ra hệ thống SAP và việc đầu tư vào AI (Trí tuệ nhân tạo) cũng giúp PNJ kết nối và hiểu nhu cầu của khách hàng để mang đến trải nghiệm tốt hơn, là bàn đạp để PNJ phát triển thêm kênh phân phối mới và lĩnh vực kinh doanh liên quan đến thương mại điện tử.
Đầu tư vào R&D nhiều:
- Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của R&D trong hoạt động kinh doanh trang sức, PNJ đã đầu tư rất nhiều vào bộ phận này cả về nhân lực và công nghệ. Đúng như mong đợi, các bộ sưu tập và sản phẩm sáng tạo mới của PNJ được công chúng và giới phê bình đánh giá cao. Trang sức do PNJ sản xuất có sự khác biệt và dành riêng cho các phân khúc được nhắm mục tiêu cụ thể.
- Hơn nữa, điều làm cho bộ phận R&D của PNJ trở nên nổi bật là sự hiện diện của đội ngũ bốn chuyên gia trang sức trong số hai mươi nghệ nhân, những người làm việc chặt chẽ với nhau trên từng sản phẩm.
Quan hệ đối tác bền vững:
- PNJ liên kết với các đối tác Tài chính, Sức khỏe – Làm đẹp, Sự kiện, Dịch vụ với nhiều ưu đãi giảm giá đặc biệt trên toàn lãnh thổ để mang lại cho các khách hàng thân thiết của PNJ những lợi ích thiết thực nhất.
- Một số đối tác tài chính và đối tác kinh tế bao gồm: Ngân hàng ANZ; Ngân hàng ACB; v.v.
Xem thêm: Chiến lược Marketing của Doji
3. Weaknesses (Điểm yếu) của PNJ
Phân tích mô hình SWOT của PNJ tiếp theo là Weaknesses (Điểm yếu) của PNJ.
Tỷ trọng hàng xuất khẩu trong tổng doanh thu của PNJ còn rất nhỏ:
- PNJ đi ra quốc tế theo từng bước, đầu tiên là sản phẩm của PNJ ra thị trường. Hiện tại sản phẩm của PNJ đã đi ra khoảng 10 nước trên thế giới (thông qua xuất khẩu) nhưng chưa mạnh mẽ bởi chưa mở hệ thống bán lẻ ở thị trường nước ngoài.
- Tỷ trọng hàng xuất khẩu trong tổng doanh thu của PNJ cũng còn rất nhỏ bởi đặc thù của thị trường Việt Nam là giá vàng cao hơn quốc tế nên không có lợi cho xuất khẩu, hơn nữa còn liên quan đến các chính sách.
Nguồn nguyên vật liệu đa phần nhập từ nước ngoài:
- Nguyên liệu đầu vào của PNJ chủ yếu là các loại vàng nguyên liệu, bạc nguyên liệu, vàng miếng, đá quý, kim cương. Đặc thù của nhóm nguyên liệu này là tính biến động liên tục của giá, tạo nên rủi ro đáng kể đối với các doanh nghiệp không có phương pháp quản lý giá nguyên liệu hiệu quả.
- Đối với đá quý: Thông qua đối tác là Netis Gems tại Việt Nam. Hãng này nhập nguyên liệu thô và PNJ gia công lại. Từ năm 2018, PNJ bắt tay với Swarovski để đưa ra các sản phẩm có giác cắt độc quyền. Đồng thời phối hợp với các hãng thời trang, Disney để đưa ra các bộ sưu tập riêng nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.
- Kim cương: PNJ nhập từ Forte, mua trong dân và có phòng PNJLap nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm.
Kinh doanh vàng miếng và bán sỉ vàng nữ trang còn yếu:
- Kinh doanh vàng miếng không mang lại lợi nhuận đáng kể cho PNJ do biên lợi nhuận rất thấp (bán 01 lượng vàng 55.25 triệu đồng chỉ lãi 450,000 đồng, tỷ suất 0.03%). Tuy nhiên PNJ vẫn duy trì mảng hoạt động này vì đây là nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam và cũng là cơ sở để các khách hàng phát sinh nhu cầu với các ngành hàng khác của PNJ như nữ trang, phụ kiện, đồng hồ.
- Bán sỉ vàng nữ trang: Đối tượng khách hàng của PNJ là các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý trên cả nước không có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để có thể sản xuất nữ trang số lượng lớn. Các dòng sản phẩm này hầu hết không trùng với danh mục sản phẩm của PNJ và có chất lượng gia công cũng như mẫu mã, thiết kế cũng như định vị phân khúc thị trường thấp hơn so với các sản phẩm mang thương hiệu PNJ.
Xem thêm: Phân tích mô hình SWOT của Pepsi
4. Opportunities (Cơ hội) của PNJ
Phân tích mô hình SWOT của PNJ tiếp theo là Opportunities (Cơ hội) của PNJ.
Xu hướng tiêu dùng trang sức cao:
- Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng trên toàn cầu đã phục hồi trở lại sau khi sụt giảm mạnh dưới các tác động của đại dịch Covid-19 kể từ năm 2020. Nhu cầu sử dụng vàng trang sức tại Việt Nam đã tăng 11% trong năm 2021.
- Mức tiêu thụ vàng toàn cầu trong năm 2021 đạt 4.021 tấn, theo WGC. Riêng tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng vàng trang sức trong năm 2021 đạt 12 tấn, tăng 11% so với hồi năm 2020. Nhu cầu về vàng miếng và tiền xu vàng trong cả năm 2021 tại Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với mức 29 tấn trong năm 2020.
- Theo WGC, nhu cầu sử dụng vàng trên toàn cầu trong quý 4/2021 đạt 1.147 tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là quý có mức tiêu thụ vàng cao nhất kể từ hồi quý 2/2019.
- Đặc biệt, nhu cầu sử dụng vàng miếng và tiền xu vàng trên toàn cầu trong cả năm 2021 đạt tới 1.180 tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 202 trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân đều tìm kiếm kênh đầu tư trú ấn để bảo vệ tài sản khi lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thị trường vàng phát triển:
- Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, đạt mức tăng trưởng khoảng 8%. Còn báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý I/2022 từ WGC cho biết, tổng nhu cầu vàng trong quý này của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Cụ thể, cùng với sự phục hồi của nhu cầu vàng toàn cầu, nhu cầu vàng của người tiêu dùng ở Việt Nam tăng từ 18,6 tấn trong quý IV/2021 lên 19,6 tấn trong quý I/2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu năm 2021 lên 14 tấn trong quý đầu năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 10% trong cùng khoảng thời gian, từ 5,1 tấn lên 5,6 tấn.
- Thực tế, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống.
- Nhu cầu về trang sức của người tiêu dùng Việt Nam dần tăng khi cuộc sống ngày càng được cải thiện. Ở các thành phố lớn, sức mua nữ trang tiếp tục tăng, còn ở khu vực nông thôn, người dân bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm. Cụ thể, thay vì mua vàng với mục đích tích trữ thì họ có nhu cầu mua trang sức phân khúc trung và cao cấp.
- Theo thống kê của WGC, nhu cầu về trang sức vàng ở Việt Nam đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020.
Xu hướng tiêu dùng trong thị trường ngành hàng đá quý:
- Việc chuyển dịch hình thức mua sắm sang mua sắm trực tuyến diễn ra một cách nhanh chóng: trước những trách nhiệm với xã hội, cũng như để bảo vệ an toàn tối đa cho người tiêu dùng, chính vì vậy các doanh nghiệp cần đảm bảo cung cấp những trải nghiệm an toàn mà vẫn hài lòng cho người dùng cũng như thực hiện các công việc tiếp thị kỹ thuật số xuất sắc để đảm bảo không chỉ giữ vững thị trường kinh doanh hiện tại mà còn có thể mở rộng hơn nữa.
- Điều này đã tác động đến thói quen của người tiêu dùng, chuyển dịch hình thức mua sắm sang trực tuyến. Với xu hướng này, các nhà tiếp thị có thể áp dụng việc phân tích dữ liệu để phát triển các chiến dịch, sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa hơn cho người mua sắm trực tuyến.
- Khách hàng mong đợi sẽ được nhận những sản phẩm cá nhân hóa tại các đại lý bán hàng: Khi khách hàng có nhu cầu về các sản phẩm tùy chỉnh mang dấu ấn cá nhân, nếu cửa hàng, đại lý cung cấp được các sản phẩm như vậy cho khách hàng, sẽ giúp thương hiệu có thể phục vụ được nhiều nhóm đối tượng khách hàng hơn, tăng khả năng kinh doanh và cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Nâng cao ý thức về môi trường và xã hội: trong xã hội hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của môi trường cũng như các vấn đề về ổn định, an toàn xã hội, chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có những giải pháp liên quan đến vòng đời sản phẩm xuyên suốt từ quản lý chuỗi cung ứng đến xử lý hàng tồn kho, …
- Ngành hàng đá quý có thể chú trọng vào việc hỗ trợ các sáng kiến góp phần đảm bảo nguồn gốc đá quý, kim cương; các chương trình bảo hành và đổi trả thích hợp cùng với khả năng truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao niềm tin và an tâm mua sắm của khách hàng.
- Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng được mở rộng: điều này có thể là cơ hội hoặc cũng có thể thách thức cho các thương hiệu nếu thương hiệu không có các chiến lược phát triển phù hợp. Việc cải tiến các sản phẩm đã lỗi thời hay phát triển những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị yếu của khách hàng hay đơn giản là triển khai các ưu đãi với các mức giá để có thể tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng là những vấn đề doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cần quan tâm thực hiện.
Xem thêm: Phân tích mô hình SWOT của OMO
5. Threats (Thách thức) của PNJ
Phân tích mô hình SWOT của PNJ cuối cùng là Threats (Thách thức) của PNJ.
Cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp cùng ngành:
- Ngành trang sức thế giới vốn đã quá quen thuộc với các thương hiệu nổi tiếng như Tiffany, Swarovski hay Jacobs & Co. Còn tại Việt Nam, thị trường đang “bội thực” bởi những thương hiệu “mới nổi” như Shimmer hay FloralPunk.
- Hiện nay, ngành trang sức được chia thành 3 phân khúc khác nhau với thấp cấp, trung cấp và cao cấp. Với cả ngàn thương hiệu lớn và nhỏ lẻ, thị trường đang “bão hòa thương hiệu” với những tên tuổi như PNJ, Doji, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý và những thương hiệu bé hơn như Shimmer và FloralPunk. Các thương hiệu bắt đầu cạnh tranh nhau quyết liệt ở mảng này, thể hiện qua việc các cửa hàng trang sức “mọc” lên nhanh chóng.
- Với 200 cửa hàng bán lẻ, Bảo Tín Minh Châu là đối thủ tiềm tàng nhất có thể đe doạ PNJ lúc này. Tuy nhiên, cục diện thị trường đã khá rõ ràng với BTMC chỉ có hệ thống phân phối từ Quảng Trị đổ lên, trong khi đó, PNJ có hơn 80% cửa hàng ở miền Nam. Xa hơn, khi nhu cầu trang sức ở Việt Nam đạt mức trung bình Châu Á, đây sẽ là dư địa lớn để cả hai ông lớn này tăng thị phần thông qua chuỗi cung ứng và phân phối mạnh mẽ.
- PNJ và Thế giới Kim cương đều tập trung đổi mới và đẩy mạnh bán lẻ. Mức độ tập trung của thị trường này còn thấp, do khoảng hơn 70% thị trường thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ. Một miếng bánh lớn cho hai doanh nghiệp khai thác, cơ hội sẽ chia đều nếu doanh nghiệp đi đúng hướng.
- Nếu PNJ có lợi thế mạnh về hệ thống, các hãng trang sức nhỏ lẻ lại có khả năng cạnh tranh hơn về giá. Theo một khảo sát về thói quen tiêu dùng về thời trang của Q&Me vào cuối năm 2017, giá thành là yếu tố quan trọng nhất trong việc đưa ra quyết định mua sắm, chiếm 23%.
Biến động giá vàng trong nước và thế giới:
- Chênh lệch giá giữa vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC và vàng thế giới ngày một giãn rộng, khiến người mua gặp rủi ro. Trong khi đó, nhu cầu về trang sức vàng gia tăng, nhưng các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nữ trang vàng thường xuyên thiếu nguyên liệu do không được xuất nhập khẩu.
- Giá vàng thế giới tăng cao trong thời gian qua, nhiều thời điểm vượt mức 2.000 USD/ounce, song giá vàng miếng thương hiệu SJC trong nước có mức chênh ngày càng lớn với giá vàng quốc tế, có thời điểm lên đến 19 triệu đồng/lượng và hiện nay khoảng 18 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do thị trường vàng trong nước đóng cửa với quốc tế nên giá khó có thể liên thông, khiến người mua vàng ở thị trường nội địa gặp rủi ro, không ít người muốn chuyển đổi sang tiền đồng hoặc kênh đầu tư khác.
- Tuy nhiên, nhu cầu vàng vẫn luôn lớn, thậm chí gia tăng đối với người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Vàng được xem là của để dành, của hồi môn của người dân Việt Nam, đồng thời được coi là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là lạm phát cao.
Quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng ngày càng nghiêm ngặt:
- Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.
- Mức sai số cho phép cũng chỉ từ 0.1 – 0.3%. Bên cạnh đó, dụng cụ đo lường cũng phải được chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm định chất lượng và dán tem đạt chuẩn và kẹp chì niêm phong mới được đưa vào sử dụng trong kinh doanh.
- Trước đó, thị trường gần như không có chuẩn chung nào cho sản phẩm vàng nữ trang. Bên cạnh đó, hầu hết các tiệm vàng đều lấy hàng từ người bán sỉ (chành) hoặc tự gia công. Do vậy, tuổi vàng của các sản phẩm là do các chủ tiệm tự đưa ra. Quy định của Thông tư 22 là giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thước đo giá trị này giúp người tiêu dùng tránh phải mất tiền với những món hàng nữ trang bị “ăn gian” tuổi.
- Trên thị trường vàng nữ trang, người tiêu dùng thường dùng sản phẩm vàng 24k và 18k, 14K. Nhưng, thực tế không nhiều cửa hàng đảm bảo được sản phẩm của mình đủ tuổi. Chẳng hạn, vàng lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K, tương đương 7.5 tuổi nhưng bị “ăn gian” còn 7 tuổi, thậm chí 6.8 tuổi; vàng 14K, tương đương 5.85 tuổi, cũng bị giảm còn 5.5 tuổi.
- Các sản phẩm “hàng chợ” có ký hiệu ST (6.8 tuổi) nhưng thực chất cũng bị bớt xén trong quá trình chế tác nữ trang nên chỉ còn khoảng 6.1 tuổi. Để khỏi “mất giá”, người tiêu dùng chỉ biết là “mua đâu bán đó”, tức hàng mua ở cửa hàng nào thì bán lại ngay cửa hàng đó.
Kinh tế thế giới bất ổn:
- Nền kinh tế toàn cầu đang phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo, trong bối cảnh lạm phát cao, chiến dịch tăng lãi suất, và cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cùng lúc gây áp lực lên tăng trưởng…
- Trang CNN Business dẫn một mô hình khả năng của công ty nghiên cứu kinh tế Ned Davis Research nói rằng ở thời điểm hiện tại, khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái là 98,1%. Trong lúc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy mạnh nỗ lực nhằm đưa lạm phát về tầm kiểm soát, giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư ngày càng lo lắng hơn.
- Trong một cuộc khảo sát mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cứ 10 chuyên gia kinh tế được hỏi lại có 7 người cho rằng nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái. Các chuyên gia cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho rằng tiền lương sau khi trừ đi lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm nay và năm tới.
- Với giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng cao, đang có những mối lo rằng chi phí sinh hoạt đắt đỏ có thể dẫn tới bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia. 79% chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của WEF dự báo giá cả leo thang sẽ gây bất ổn xã hội ở các quốc gia thu nhập thấp; 20% cho rằng bất ổn tương tự sẽ xảy ra ở các quốc gia thu nhập cao. Tâm trạng bi quan của nhà đầu tư được thể hiện qua sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Xem thêm: Phân tích mô hình SWOT của Nike
Brade Mar