Trong khi cả người bán lẻ và Shopper đều dần ngán ngẩm với việc thanh toán không tiếp xúc sử dụng App thì ‘cuộc đua’ thanh toán không tiếp xúc mà không cần dùng App (App-free Contactless Payments) lại chính là tương lai của ngành bán lẻ, mặc dù những công nghệ này không hề rẻ chút nào.
Mục lục
1. Ngành bán lẻ liên tục đổi mới trải nghiệm mua hàng
Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ từ đầu năm 2020 đã dần thay đổi cuộc sống của nhiều người – cách học tập và làm việc (từ xa), nơi sống (chuyển về quê, tránh xa những thành phố lớn), khám chữa bệnh (trực tuyến), và thậm chí cả cách ăn mặc (tự do, thoải mái hơn). Đặc biệt, việc mua sắm, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đã thực sự bị dịch bệnh “kiểm soát”.
Các nhà bán lẻ đang nhanh chóng đổi mới trải nghiệm mua sắm bằng việc tìm ra những cách khác nhau để tối ưu hóa trải nghiệm đa kênh (Omnichannel), lựa chọn công nghệ phù hợp để thúc đẩy bán hàng, tăng mức độ tương tác và lòng trung thành của khách hàng, đồng thời chú trọng đầu tư vào đổi mới và phát triển để mở rộng tập danh mục sản phẩm.
Trong một cuộc khảo sát toàn cầu do McKinsey thực hiện, các nhà lãnh đạo được khảo sát cho biết, thị phần của các sản phẩm kỹ thuật số hoặc liên quan đến kỹ thuật số trong danh mục đầu tư của họ đã tăng trưởng vượt mục tiêu tận 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, việc số hóa tương tác giữa khách hàng và chuỗi cung ứng đã tăng trưởng vượt mốc từ 3 – 4 năm tiếp theo.
Không chỉ riêng các nhà bán lẻ đang tìm kiếm sự đổi mới trong lĩnh vực của mình, mà những người mua (Shopper) cũng đang hàng ngày áp dụng các công nghệ mới vào việc mua sắm tại cửa hàng vật lý cũng như mua sắm trực tuyến.
Theo Digital Commerce 360, chi tiêu của người tiêu dùng thông qua các kênh ngoài cửa hàng (Non-store Channels), ví dụ như bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, v.v đã tăng 31,3% so với tháng 11/2019. Doanh số bán hàng trên nền tảng kỹ thuật số của các thương hiệu làm đẹp lớn, bao gồm cả L’Oreal, đã tăng mạnh, thậm chí có thương hiệu của L’Oreal đạt doanh số bán hàng trực tuyến tăng tới 278% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù trải nghiệm kỹ thuật số đang ngày càng hấp dẫn nhưng việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng vật lý vẫn đóng vai trò quan trọng, thu hút một lượng khách hàng bền vững. Chỉ riêng ở kênh tạp hóa, 2/3 Shoppers cho biết họ vẫn thích mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng vật lý. Người tiêu dùng vẫn thích được nhìn ngắm và cầm nắm sản phẩm trước khi mua.
2. Tăng trưởng đáng kinh ngạc của thanh toán không tiếp xúc
Vì mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vật lý vẫn hấp dẫn, nên ngoài việc đầu tư cho các hình thức thương mại điện tử, các nhà bán lẻ đang đẩy mạnh việc phát triển công nghệ thanh toán không tiếp xúc ngay tại cửa hàng của mình. Bối cảnh Đại dịch cũng đã dẫn đến sự trỗi dậy của các hình thức thanh toán tự động, thanh toán không tiếp xúc (Contactless Payment), cùng với những đổi mới trong công nghệ giúp các nhà bán lẻ triển khai dễ dàng hơn:
- Thanh toán không tiếp xúc đã tăng 150% kể từ năm 2019
- 87% Shoppers cho biết họ thích mua sắm tại các cửa hàng có trải nghiệm tự thanh toán không cần chạm, tiếp xúc.
- 74% người tiêu dùng toàn cầu nói rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán không tiếp xúc sau đại dịch.
- Quy mô thị trường của thanh toán không tiếp xúc dự kiến sẽ vượt 4.6 nghìn tỷ USD vào năm 2027
Lý do mà công nghệ thanh toán không tiếp xúc ngày càng phát triển rất đơn giản: người tiêu dùng muốn thanh toán an toàn, nhanh chóng. Tuy nhiên, để làm được điều này, các nhà bán lẻ có thể sẽ phải trải qua một hành trình dài, tốn kém tiền bạc và thời gian. Trong khi thanh toán không tiếp xúc sử dụng App đã rất tốn kém, thì việc thanh toán không tiếp xúc mà không cần dùng đến tích hợp App lại càng là một cuộc chơi đốt tiền.
3. Cả người tiêu dùng và nhà bán lẻ đều ngán ngẩm việc thanh toán sử dụng App
Ngày nay, việc khai thác khách hàng qua nền tảng App (Ứng dụng điện thoại) đang gặp nhiều bất lợi. Cụ thể, 21% người tiêu dùng không sử dụng lại các ứng dụng mới tải xuống sau lần đầu tiên sử dụng. Thậm chí, 77% người tiêu dùng không sử dụng lại các ứng dụng trong 72 giờ sau khi cài đặt.
Ngoài việc người dùng dần chán với việc sử dụng các App, chi phí để phát triển, triển khai và bảo trì App đối với các nhà bán lẻ có thể lên tới 1 triệu USD và có thể mất từ nửa năm đến một năm để hoàn thành. Có thể nói, việc phát triển App đã là một cuộc chơi tốn kém.
Đó là còn chưa kể đến công nghệ thanh toán. Theo ước tính, có thể tiêu tốn 1 triệu USD chi phí công nghệ cho mỗi địa điểm và vẫn yêu cầu việc tích hợp App trên điện thoại cũng như chi phí cho các công nghệ cao như máy tính thị giác trí tuệ nhân tạo (AICV), cảm biến, cải tiến cửa hàng hay trong một số trường hợp là nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu sinh trắc học.
Xem thêm: Các cách để ứng dụng công nghệ Thực tế tăng cường AR vào Trade Marketing
Hệ sinh thái công nghệ thương mại hiện tại đang ngày càng phát triển phức tạp hơn. Đưa thanh toán tự động vào mạng lưới này có thể là một nỗ lực tốn kém, đó là chưa tính đến việc khắc phục những lo ngại về quyền riêng tư của người tiêu dùng. Chính vì vậy, một giải pháp về thanh toán không tiếp xúc mà không cần dùng App chắc chắn sẽ là xu thế của tương lai, mang tới trải nghiệm nhanh hơn, an toàn hơn, được cá nhân hóa hơn.
Thùy Giang | Brade Mar