Inbound Marketing là gì? Ví dụ về Inbound Marketing

Inbound Marketing là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong Marketing nói chung và Digital Marketing nói riêng. Vậy Inbound Marketing là gì, nó khác gì sao với Outbound Marketing? Bài viết này sẽ cho bạn đọc cái nhìn rõ hơn về khái niệm này.

Inbound Marketing là gì
Inbound Marketing là gì

1. Inbound Marketing là gì?

Inbound Marketing là một phương pháp Marketing được HubSpot (một công ty phần mềm kinh doanh tại Mỹ) tạo ra vào năm 2006, là tập hợp các phương pháp nhằm thu hút khách khách về phía thương hiệu bằng cách tạo ra, chia sẻ những thông tin liên quan, hữu ích và khiến khách hàng “tự tìm tới thương hiệu”, thay vì “đẩy” hàng loạt những thông điệp truyền thông nhằm “tấn công” tâm trí khách hàng.

Xét trong bối cảnh Digital Marketing, Inbound Marketing liên quan đến việc sử dụng kết hợp các kênh Marketing – phổ biến nhất là Content Marketing, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và phương tiện truyền thông xã hội (Social Media) theo những cách sáng tạo để thu hút sự chú ý của mọi người.

Mục đích của một chiến dịch Inbound Marketing thành công là tăng phạm vi tiếp cận và thúc đẩy lưu lượng truy cập, mức độ tương tác và tăng tỷ lệ chuyển đổi bằng cách sử dụng Earned Media (các kênh lan tỏa) và Owned Media (các kênh sở hữu).

Xem thêm: Omnichannel Marketing là gì? Ví dụ về Omnichannel Marketing

Inbound Marketing là một phương pháp Marketing được HubSpot (một công ty phần mềm kinh doanh tại Mỹ) tạo ra vào năm 2006
Inbound Marketing là một phương pháp Marketing được HubSpot (một công ty phần mềm kinh doanh tại Mỹ) tạo ra vào năm 2006

2. Phân biệt Inbound Marketing và Outbound Marketing

Cách phân biệt rõ ràng nhất giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing là ở chính cái tên – “INBOUND” và “OUTBOUND”. Inbound Marketing tập trung vào việc “thu hút” khách hàng tiềm năng, trong khi Outbound Marketing là “thúc đẩy” mạnh mẽ các thông điệp “dội bom tâm trí” khách hàng. Nói một cách dễ hiểu, Inbound Marketing là để thu hút sự chú ý, trong khi Outbound Marketing thường liên quan đến việc “mua sự chú ý”.

Xét về khía cạnh phương tiện truyền thông (Media), cũng có sự khác nhau giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing:

  • Inbound Marketing: Thường sử dụng Owned Media (kênh sở hữu) và Earned Media (kênh lan tỏa). Inbound Marketing sẽ thu hút khách hàng bằng những hoạt động Marketing sáng tạo trên trang Web, trang mạng xã hội, v.v. (Owned Media) và kiếm được sự chú ý, chia sẻ, các bài báo PR miễn phí, v.v. (Earned Media).
  • Outbound Marketing: Thường sử dụng Paid Media (kênh trả phí). Outbound Marketing sẽ thu hút khách hàng bằng cách chi trả tiền cho các phương tiện quảng cáo (cả truyền thống lẫn hiện đại), chẳng hạn như quảng cáo truyền hình, báo chí, quảng cáo Digital, v.v.

 

Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa Outbound MarketingInbound Marketing là gì, có một câu nói ví von rằng: “Inbound Marketing thu hút khách hàng như những thỏi nam châm chứ không đập vào đầu họ bằng búa tạ”.

Thị trường trải qua nhiều giai đoạn “thay da đổi thịt”. Cách sống, cách mua sắm của con người cũng thay đổi đáng kể. Chính vì vậy mà các Marketer không nên bám víu vào những phương pháp tiếp thị từ những năm 1990 để lấy lòng khách hàng.

Ngày nay, mọi người chủ yếu mua sắm, tìm kiếm thông tin qua Internet và luôn có cách chặn đứng chiến thuật “làm phiền” của bạn. Tuy tốn nhiều thời gian hơn Outbound Marketing nhưng một khi thành công, Inbound Marketing sẽ thu hút khách hàng với chi phí thấp hơn 7 lần. Chính vì vậy Inbound Marketing đã dần “soán ngôi” Outbound Marketing và trở thành xu thế dẫn đầu thị trường Marketing.

Cần lưu ý rằng, nói như vậy không có nghĩa Inbound Marketing vượt trội hơn Outbound Marketing. Tùy vào mục tiêu Marketing, mỗi công ty sẽ lựa chọn phương thức Marketing phù hợp. Chẳng hạn với ngành hàng mì ăn liền, Outbound Marketing vẫn thực sự chiếm được ưu thế khi “dội bom” quảng cáo truyền hình tới hàng triệu người xem – một cách Marketing vẫn luôn được đánh giá là hiệu quả bấy lâu nay. Chúng ta không thể nói Inbound MarketingOutbound Marketing, cái nào vượt trội hơn.

Cùng với đó, mặc dù thường được coi là một hoạt động Outbound Marketing, nhưng các quảng cáo trên mạng xã hội (phải trả phí quảng cáo) là một cách hiệu quả để bán hàng. Ví dụ, quảng cáo trên Facebook cho phép thương hiệu quảng bá nội dung, sản phẩm và chiến dịch đến đối tượng khán giả mục tiêu, bởi việc đơn thuần chỉ sử dụng Inbound Marketing trên Facebook (đăng bài, chia sẻ, v.v.) là chưa đủ.

Xem thêm: Social Media Marketing là gì? Ưu nhược điểm của Social Media Marketing

Phân biệt Inbound Marketing và Outbound Marketing
Phân biệt Inbound Marketing và Outbound Marketing

3. Lợi ích của Inbound Marketing

Tiếp cận đúng đối tượng khán giả mục tiêu ở đúng kênh để tạo ra lưu lượng truy cập chất lượng:

  • Bằng cách triển khai Inbound Marketing vào việc tiếp cận đúng đối tượng ở đúng kênh truyền thông, thương hiệu có thể thu hút khách hàng để đạt được các mục tiêu Digital Marketing của mình.
  • Đây là giải pháp thay thế cho việc chi tiền quảng cáo để thu hút lưu lượng truy cập từ những người không có khả năng chuyển đổi (lãng phí ngân sách).

Gia tăng niềm tin:

  • Hoạt động Inbound Marketing sẽ cung cấp cho khách hàng tiềm năng thông tin họ đang tìm kiếm một cách sáng tạo và hấp dẫn. Đây không chỉ đơn giản nhằm mục đích thúc đẩy doanh số bán hàng mà còn giúp gia tăng Brand Love (Tình yêu thương hiệu).
  • Bằng việc sử dụng Inbound Marketing như một cách để giới thiệu thương hiệu, nó sẽ giúp thương hiệu gia tăng niềm tin, tạo hiệu ứng truyền miệng (WOM).

Tránh được sự phụ thuộc quá mức vào một kênh nhất định:

  • Bằng cách phân bổ lưu lượng truy cập chất lượng từ nhiều nguồn khác nhau – tìm kiếm không phải trả tiền (SEO), giới thiệu trên mạng xã hội, giới thiệu từ các trang Web khác, v.v. – thương hiệu giảm sự phụ thuộc vào một kênh nhất định vốn nhiều rủi ro.
  • Chẳng hạn, với kênh Social Media, cụ thể là Facebook, vốn dĩ Facebook Page là một kênh Semi-Owned Media (Bán sở hữu), nghĩa là thương hiệu thật sự chỉ sở hữu một nửa trang Facebook, nửa còn lại do chính Facebook nắm giữ, thương hiệu không thể dễ dàng tùy biến như trên Website. Vì vậy, rủi ro kênh Facebook nếu xảy ra, thương hiệu sẽ còn các kênh khác (Website, Blog, Youtube, v.v.) để thông báo, kết nối với khách hàng.

Xem thêm: Tìm hiểu về SEO và SEM trong Digital Marketing

Lợi ích của Inbound Marketing
Lợi ích của Inbound Marketing

4. Ví dụ về Inbound Marketing

4.1 Thế giới di động (SEO)

Chiến lược SEO của Thế giới di động được coi là “hình mẫu” mà mọi SEOer cần tham khảo. Bạn có để ý rằng, bất kể bạn tìm kiếm trên Google một cụm từ thuộc bất kỳ chủ đề nào từ công nghệ, đến nấu ăn, sức khỏe, thời trang, v.v. thì các trang Web thuộc Thế giới di động (bao gồm cả Bách hóa Xanh và Điện máy Xanh) đều nằm trong Top đầu trang tìm kiếm, thậm chí là Top 0. Nhiều người trong ngành thậm chí còn đặt cho Thế giới di động tên gọi “bách khoa toàn thư” bởi vì tìm kiếm bất cứ thứ gì đều ra.

Với tiềm lực và nền tảng công nghệ lớn, Thế giới di động đã xây dựng một hệ quản trị nội dung (CMS) cực kỳ hiệu quả trong việc quản lý và điều khiển tất cả các hoạt động về nội dung với những tiêu chuẩn SEO nhất định để Content Team tập trung vào khâu sản xuất nội dung.

Tiếp đó, họ tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ lớn chuyên sản xuất nội dung về đa lĩnh vực. Một trong những chuyên mục thành công và thu hút nhiều lưu lượng truy cập nhất là về Tin tức Công nghệ. Đối với các loại nội dung khác, họ đều cố gắng lồng ghép một cách khéo léo về sản phẩm đang có tại trang.

Khi nội dung đã được thiết lập, tính năng bình luận và đánh giá sẽ được tích hợp công khai trong từng bài viết để người dùng có thể thảo luận và đặt câu hỏi. Đây là cách thức hiệu quả để thu hút và giữ chân khách hàng.

Xem thêm: Các đối thủ cạnh tranh của Thegioididong

Ví dụ về Inbound Marketing - Thế giới di động (SEO)
Ví dụ về Inbound Marketing – Thế giới di động (SEO)

4.2 MoMo, Starbucks, Highlands (Social Media)

Vào ngày 06/09/2022, 3 bài đăng chỉ vỏn vẹn 3 icon tim hồng, xanh, đỏ nhưng đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng tạo nên chuỗi nội dung bắt trend “tung hứng” khá nhịp nhàng giữa các Fanpage trên Facebook với lượng người theo dõi đông đảo. Đây là một hoạt động Inbound Marketing hợp tác giữa 3 thương hiệu mang lại hiệu quả lớn.

Sự việc bắt đầu với bài đăng tim xanh nền hồng vào tối ngày 06/09/2022 của MoMo. Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên MoMo “thả thính yêu đương” như vậy nên ở phần bình luận đã có khá nhiều thương hiệu có màu xanh chủ đạo được đồn đoán là đối tác tiếp theo của ứng dụng ví điện tử này.

Không để cư dân mạng chờ lâu, Starbucks cũng đã nhanh chóng “đáp lời” với bài đăng nền xanh với icon trái tim hồng. Nếu chỉ dừng lại ở 2 bài đăng này thì mọi chuyện sẽ khó có thể trở nên “rần rần”. Chỉ một ít lâu sau, dân tình đã thấy Highlands “đau đớn” đăng hình ảnh icon trái tim hồng “vỡ đôi” trên nền đỏ.

Định dạng bài đăng tương đồng, thời gian sát nhau đã giúp vẽ nên một câu chuyện tình lâm li bi đát giữa ba thương hiệu mà ở đó MoMo và Starbucks đã tặng Highlands một “cặp sừng”. Nàng tiên cá xanh vô tình trở thành “trà xanh” trong “chuyện tình tay ba” ngang trái này.

Highlands đã thành công “thổi bùng” ngọn lửa drama khi hàng loạt tài khoản “tích xanh” (tài khoản được Facebook xác nhận) vào bình luận an ủi, chia buồn. Thậm chí, “thủ phạm” làm tan vỡ “trái tim” của Highlands cũng để lại bình luận dỗ dành. Sự tương tác qua lại nhiệt tình giữa các page chính chủ đã thu hút sự chú ý của người dùng mạng.

Xem thêm: Chiến lược thâm nhập thị trường của Highlands Coffee

Ví dụ về Inbound Marketing - MoMo, Starbucks, Highlands (Social Media)
Ví dụ về Inbound Marketing – MoMo, Starbucks, Highlands (Social Media)

Brade Mar

5/5 - (10 bình chọn)

Cong-viec-Marketing